Japan Embassy

Header

Không hối tiếc vì đã đến Việt Nam
Con đường mình chọn, chính mình sẽ biến nó thành đúng

Yamada Takahito
Kiến trúc sư – Nhà thiết kế 3D – Nhà sáng lập "studio anettai”

Yamada Takahito

Văn phòng thiết kế kiến trúc “studio anettai” nổi tiếng với những tác phẩm mang đậm phong cách nhiệt đới, không gian bán lộ thiên ngập tràn mảng xanh. Bắt tay với các đơn vị thi công địa phương Việt Nam, “studio anetta” thi công nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến trúc tới sản phẩm 3D. Nhà sáng lập – anh Yamada Takahiko sẽ chia sẻ mối nhân duyên giữa anh và Việt Nam.

Đầu quân về doanh nghiệp Việt Nam sau thời gian thực tập
Những bất ngờ từ văn hóa bản địa

“Khi nghiên cứu về đề tài chuyển đổi, cải tạo công năng các công trình kiến trúc tại cao học, tôi có nhiều dịp ghé thăm và bị cuốn hút bởi các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan… Cơ duyên đưa tôi đến với Việt Nam bắt đầu trong thời gian theo học ở trường, tôi nhận được thông tin tuyển dụng của một văn phòng kiến trúc ở Việt Nam và đã thử ứng tuyển. Ban đầu tôi chỉ thực tập một thời gian ngắn, sau khi tốt nghiệp tôi trở thành nhân viên chính thức.”

Sau vài năm làm việc ở văn phòng kiến trúc, thông thường mọi người sẽ chuyển việc hoặc tách ra mở công ty riêng. Anh Yamada cũng không ngoại lệ. Sau 5 năm, anh nghỉ việc ở công ty và độc lập trong công việc. Anh đã có thể chọn con đường quay trở về Nhật, tuy nhiên lúc nghỉ việc anh vẫn còn nhiều mối quan hệ trong ngành nên đã quyết định tiếp tục công việc thiết kế ở Việt Nam.

“Thời điểm năm 2019, ở Việt Nam có rất nhiều kiến trúc sư Nhật, nếu tôi vẫn làm công việc thiết kế theo lối mòn cũ thì tôi chắc chắn sẽ trở nên nhàm chán. Vì vậy tôi đã thử sức ở một lĩnh vực khác gần gũi với kiến trúc – kinh doanh bất động sản và hostel. Và đó chính là công ty hiện nay của tôi.”

Hiện tại, ngoài công việc chính là thiết kế, dựng ảnh 3D, anh còn tham gia vào nhiều dự án nhà ở, nhà hàng, văn phòng, club, phòng trưng bày mỹ thuật… Khách hàng của anh ngoài công ty Nhật còn có nhiều công ty Việt Nam.

“Qua công việc thường ngày, tôi nhận thấy điểm khác biệt lớn nằm ngay ở khâu bắt đầu thi công. Chỉ tại các nước đang phát triển như Việt Nam, moi người mới có thể không cần chốt phương án thiết kế trước, làm đến đâu thì vừa sửa bản vẽ sơ bộ vừa thi công đến đó. Tôi cảm nhận được tốc độ công việc ở đây vô cùng lý tưởng cho sự sáng tạo. Điều khiến tôi rất ngạc nhiên và đang học hỏi là mọi người không lảng tránh vấn đề mà giải quyết chúng một cách linh hoạt theo từng tình huống cụ thể.”

Nghe qua có vẻ cách làm này không chặt chẽ nhưng ưu điểm của nó đẩy nhanh được tiến độ hoàn thiện công trình. Ngoài ra, do mọi người đã quen với việc chỉnh sửa ngay tại hiện trường thi công nên nếu có gì sai sót thì Yamada cũng không cần quá lo lắng, mọi người sẽ chỉ dẫn cho anh theo kiểu: “Trong trường hợp này chỉ cần chỉnh thế này là được”.

Doanh nghiệp địa phương 

Đối tác đồng hành đáng tin cậy

Tuy nói là vậy nhưng khi thực tế bắt tay vào việc, anh cũng không tránh khỏi những hiểu lầm, xung đột do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. Vì vậy, việc giao tiếp, trao đổi rành mạch giữa kiến trúc sư và thợ người địa phương là không thể thiếu. 

“Chúng tôi và người Việt Nam, doanh nghiệp địa phương có mối quan hệ cộng sinh không thể tách rời. Vì vậy, không chỉ riêng vấn đề ngôn ngữ, một trung gian ở giữa hiểu rõ yêu cầu về chất lượng của chủ thầu đồng thời có thể truyền tải, chỉ dẫn cho thợ thuyền người Việt đóng vai trò then chốt. Người nắm giữ vai trò điều phối này rất quan trọng, và tôi cho rằng kiến trúc sư chúng tôi cần phải hoàn thành được vai trò đó.” 

May mắn thay, một trong những đối tác người Việt trước đây của anh, vốn hiểu rõ những quy chuẩn quốc tế cũng như văn hóa bản địa, đã tách ra thành lập công ty thi công riêng và hỗ trợ anh rất nhiều. Gần đây, anh cũng kết nối thêm được nhiều đối tác đồng điệu đáng tin cậy.

“Giữa Nhật Bản và Việt Nam, kiến trúc sư và thợ không có quan hệ trên dưới. Tất cả đều đồng đẳng và cần lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau. Chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ những đối tác ưu tú giúp chúng tôi trung hòa, gắn kết với văn hóa bản địa. Việt Nam cũng giúp tôi nhận ra thất bại là để trưởng thành. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các dự án nhà dân dụng, hostel đã không còn nhiều nhưng tôi vẫn rất mừng vì đã chọn làm và tích lũy kinh nghiệm từ nó. Con đường mình đã chọn thì chính mình sẽ biến nó thành con đường đúng. Tôi chưa từng hối tiếc về những việc đã làm ở Việt Nam. Việt Nam đã dạy tôi lối suy nghĩ này.”

Thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam tài năng
Mong muốn kết nối, đồng hành cùng phát triển

“Hiện nay Việt Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh có nhiều kiến trúc sư trẻ tài năng, rất nhiều trong số họ đã nhận các giải thưởng quốc tế. Tôi vẫn luôn mong mỏi sẽ có cơ hội học hỏi, cộng tác cùng những tài năng này. Sẽ thật đáng tiếc nếu hai bên không thể tương trợ, đồng hành cùng phát triển.”

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu nhân lực thiết kế bản vẽ và thiết kế nội – ngoại thất, cũng như chưa có một nền tảng để các nhà thiết kế trao đổi, tranh luận cùng nhau.

“Tôi hi vọng sẽ có những chương trình đưa nhà thiết kế Việt Nam sang Nhật đào tạo hoặc các văn phòng thiết kế tại Nhật sẽ sang Việt Nam tổ chức workshop… Nhà thiết kế người Việt rất nhiệt huyết, nắm vững kĩ thuật kiến trúc nên chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều để khi trở về Việt Nam, họ sẽ sáng tạo ra những thiết kế chất lượng. Ngày nay việc học trực tuyến qua internet đã quá phổ biến, tuy nhiên những tương tác offline cũng rất cần thiết. Đó có thể là những buổi gặp gỡ ngẫu hứng hoặc những sự kiện chính quy nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ hai nước. Mặc dù đây là một lĩnh vực ngách nhưng tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội trong thời gian sắp tới. Bản thân tôi cũng mong chính mình tạo ra được những cơ hội tương tự cho người trong ngành của hai nước.”

 Sinh năm 1988 tại Tokyo. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học Tokyo Metropolitan University, anh sang Việt Nam làm việc tại
công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa Architects. Năm 2019, anh thành lập văn phòng thiết kế kiến trúc “studio anettai”. 

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >