Những mảng màu lịch sử tạo nên nét đẹp cổ kính của Việt Nam
Tái hiện sinh động nét hoài cổ trong tác phẩm tranh sơn mài
Họa sĩ
Hamada Eriko
Hamada Eriko nổi tiếng với những tác phẩm tranh phố phường Hà Nội mang đến cảm giác ấm áp gần gũi. Vốn có chuyên môn trong lĩnh vực sơn dầu nhưng khi đến Hà Nội làm giảng viên mỹ thuật, cô đã bén duyên với tranh sơn mài để rồi khi trở về Nhật Bản, cô luôn mong muốn được trở lại Việt Nam. Cô chia sẻ với chúng tôi về nét đẹp Hà Nội mà cô cảm nhận được qua việc sáng tác tranh sơn mài.
Phố phường Hà Nội trong mắt cô gái Nhật
Những bài giảng mỹ thuật đậm chất Việt Nam
“Thời tiểu học, tôi theo học tại Trường Nhật Bản tại Barcelona. Khi đó, tôi rất yêu thích bộ môn vẽ thủ công. Trước khi tham gia các buổi vẽ ký họa, tôi thường được nghe giáo viên giảng về kiến trúc sư huyền thoại Antoni Gaudi hay trải nghiệm sáng tác tranh bằng gạch.v.v… Đó là những trải nghiệm chỉ có được khi sống ở Barcelona. Tôi còn được nghe giáo viên chia sẻ suy nghĩ về việc giảng dạy trong mỗi buổi học.”
Từ những kinh nghiệm đó, Hamada đã nuôi dưỡng trong mình ước mơ trở thành giáo viên tại trường Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, cô làm việc tại Nhà văn hóa thiếu nhi, trường mầm non trước khi được phái cử đến Hà Nội làm giáo viên mỹ thuật như cô hằng ao ước vào năm 2013. Ấn tượng đầu tiên của cô về Hà Nội là một thành phố phát triển, thân thiện và không có chiến tranh như cô tưởng tượng trước đó. Cô phụ trách dạy vẽ thủ công cho lớp tiểu học và mỹ thuật cho lớp trung học tại Trường Nhật Bản Hà Nội.
“Tôi luôn nhớ những chia sẻ của cô giáo tại Barcelona để từ đó tạo điều kiện để học trò mình được học hỏi những điều mới mẻ chỉ có thể trải nghiệm tại Việt Nam.”
Cô khéo léo đưa hình ảnh Việt Nam vào các tiết học, bắt đầu từ những buổi dạy tạo hình vật thể bằng hoa phượng, sau đó là vẽ hình ảnh paranoma của phố phường Hà Nội lên những chiếc nón lá hay tạo ra những câu chuyện kể từ các bức tranh Đông Hồ… Ở nội dung “vẽ phối màu” cho học sinh lớp hai, cô cũng tích cực cài cắm các yếu tố bản địa vào bài học qua việc pha màu vẽ quả chôm chôm, măng cụt, quả thanh long…
“Một trong những phụ huynh của học trò tôi là cô Namba Yuki – chủ của phòng tranh UZU Gallery, lúc bấy giờ chuyên triển lãm các tác phẩm của họa sĩ tranh sơn mài Ando Saeko hoạt động tại Việt Nam”
Khi được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh này, cô vô cùng phấn khích.
“Những tác phẩm tôi chưa từng biết đến được trưng bày khắp nơi trong phòng tranh. Tất cả đều thật sống động, tôi không biết rằng sử dụng vỏ trứng, vỏ trai thì bức tranh có thể lên được những nước màu độc đáo như vậy.”
Ngay sau đó, Hamada liền theo học lớp tranh sơn mài cạnh phòng tranh mỗi tuần một buổi. Kết thúc nhiệm kỳ làm việc ở Trường Nhật Bản, cô kết hôn và quay trở lại Hà Nội vào năm 2018 để theo học họa sĩ tranh sơn mài Hoàng – người bạn thân thiết mà cô cùng họa sĩ Ando theo học nghệ thuật sơn mài.
Chăm chút từng chi tiết nhỏ trên bức tranh
Nét bình dị không bức ảnh chụp nào có thể lột tả hết
Để tái hiện kiến trúc Việt Nam trên tranh, cô thường dành hàng giờ trước những tòa nhà yêu thích để vẽ phác họa.
“Tôi cứ thế ngồi vẽ suốt ba, bốn tiếng. Hàng quán, nhà cửa ở Việt Nam thường hướng ra đường và để cửa mở nên tôi có thể vừa vẽ vừa mường tượng về những con người trong ngôi nhà ấy, về cuộc sống hàng ngày của họ.”
Khi vẽ nhà cửa, quán xá bên đường, cô được người dân tiếp đón rất niềm nở.
“Đôi khi mọi người mời tôi vào nhà chơi hoặc xin phép được chụp hình lại bức tranh đã vẽ. Tôi thường thể hiện cả những chi tiết nhỏ nhất nên mọi người khi xem tranh hoàn thiện sẽ chỉ vào tranh rồi nói ‘đây là xe đạp, đây là nón bảo hiểm’ của tôi này!”
Cô cũng gặp gỡ được nhiều học viên người Việt tại phòng tranh.
“Năm 2017 tôi mở buổi triển lãm cá nhân và ở đó tôi được gặp một số bạn học viên và trở nên thân thiết với họ. Trước đây tôi luôn cảm giác có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ đối với người Việt Nam nhưng khi nói chuyện với các bạn, tôi chợt nhận ra các bạn cũng có những suy nghĩ, cảm nhận giống mình, từ đó rào cản văn hóa dần biến mất.”
Những người bạn này còn yêu thích và am hiểu tường tận về Nhật Bản.
“Các bạn biết nhiều, thậm chí còn rõ hơn tôi về lịch sử Nhật Bản, các nhân vật anime. Khi dạy học, tôi thường nhắc nhở các bạn hãy tìm hiểu để biết nhiều hơn về Việt Nam, nhưng chính các bạn đã giúp tôi nhận ra bản thân biết quá ít về Nhật Bản. Vì vậy tôi đã quyết định trở về Nhật và theo học nghệ thuật sơn mài truyền thống Nhật.”
Nét đẹp Việt Nam qua lăng kính người nước ngoài
Thông qua tranh vẽ để giới thiệu Việt Nam đến mọi người
Mặc dù đã trở về Nhật, nhưng chủ đề tranh yêu thích của Hamada vẫn là Việt Nam.
“Tôi thường nghe nói người Việt Nam nghĩ Nhật Bản là một nước văn minh, sạch sẽ, dễ sống. Thế nhưng với tôi, mặc dù đường phố không sạch sẽ, dễ đi như ở Nhật, nhưng trên tất cả Việt Nam vẫn thật cuốn hút với nét đẹp lịch sử, nét hoài niệm vẫn phảng phất trên từng góc phố.”
Hàng quán tại Hà Nội phần lớn thường tận dụng tầng dưới để kinh doanh nhưng tầng trên vẫn giữ nguyên nét cổ kính vốn có.
“Những bức tường cổ kính được sơn phết lại, cứ thế dần nhuốm màu thời gian qua năm tháng. Những con người cứ thế tiếp tục sinh sống qua bao đời, không đập bỏ, không xây mới. Những ngôi nhà vẫn ở đó chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc. Tôi cảm nhận được từng hơi thở của mình khi được ở trong không gian đó, nơi đã trải qua bao thế hệ, nhiều con người đã từng sinh sống, sờ chạm. Nó cũng giống như tranh sơn mài được thể hiện qua nhiều lớp mài, vẽ. Ví dụ, sau khi sơn màu vàng khô, ta sơn đè lên một lớp sơn mài có màu vàng như kẹo mai rùa lên sẽ được họa tiết vàng lốm đốm. Nét hồn của tranh sơn mài là ở đó, cũng như những ngôi nhà cổ kính kia.”
Khi xem các tác phẩm của cô tại triển lãm, không ít người Việt Nam đã hỏi “Căn nhà cũ kĩ thế kia thì có gì hay?”, cô liền say sưa kể về nét đẹp ẩn sau, đó là những chậu cây um tùm, là bức tường nhuốm màu thời gian… Khi đó mọi người mới nhận ra những góc nhìn khác về hình ảnh quen thuộc này.
“Có những điều của nước mình nhưng chúng ta mãi không nhận ra cho đến khi rời xa. Việt Nam đang phát triển rất năng động, hiện đại, tuy nhiên tôi hy vọng những nét đẹp lịch sử hiện có, từng góc phố với những dấu ấn thời gian sẽ được lưu giữ và truyền tiếp đến những thế hệ sau. Là một người nước ngoài, tôi hy vọng các bạn trẻ Việt Nam sẽ nhận ra và yêu mến những nét đẹp này của Việt Nam như tôi đã và đang yêu.”
Cô sinh năm 1988 tại tỉnh Miyagi. Năm 2012 cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tama ngành tranh sơn dầu, cùng năm đó cô được chọn để tham gia triển lãm FACE (Frontier Artists Contest Exhibition). Tháng 4 năm 2013, cô được phái cử sang làm giáo viên mỹ thuật tại Trường Nhật Bản Hà Nội. Năm 2018, cô quay lại Hà Nội và theo học mỹ nghệ sơn mài truyền thống từ họa sĩ Hoàng. Năm 2017, cô mở triển lãm “Charm of Ha Noi” tại phòng tranh Manzi Gallery, năm 2019 triển lãm “Hà Nội qua nghệ thuật sơn mài” tại Tranquil Books & Coffee. Năm 2019, cô quay về Nhật và đang sống tại Tokyo. |