Japan Embassy

Header

Nhận thức vai trò bác sĩ của mình tại Nhật
Mong muốn hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam và Nhật Bản

Phạm Nguyên Quý
Tiến sĩ Y khoa / Bác sĩ Trưởng, Khoa Ung thư Nội khoa,Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren / Nghiên cứu viên lâm sàng tại Đại học Kyoto

Phạm Nguyên Quý

Sống tại Nhật Bản hơn 20 năm, bác sĩ Phạm Nguyên Quý cho biết đây chính là quê hương thứ hai của mình. Ngoài công việc chính tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, anh còn tích cực khởi xướng và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hỗ trợ người Việt tại Nhật cũng như tại quê nhà. Anh chia sẻ với chúng tôi về những điều mà bản thân đang nỗ lực tại Nhật Bản cùng những điều mà anh đã học được từ đất nước mặt trời mọc.

Cung cấp thông tin y tế đáng tin cậy cho người Việt
tại cả Nhật Bản và Việt Nam với tư cách là bác sĩ Nhật biết tiếng Việt

 “Từ nhỏ tôi đã yêu thích phim ‘Oshin’. Tôi rất ngưỡng mộ sự kiên trì bền bỉ, chu đáo và chăm chỉ của Oshin.”
Bác sĩ Quý kể cho chúng tôi cơ duyên mà anh biết đến Nhật Bản. Anh cũng có ấn tượng rất tốt với Nhật Bản qua những chiếc xe máy hay quạt máy hàng Nhật “xài mãi mà không hư”. Sau khi vào đại học, anh ứng tuyển học bổng của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) để đi du học và thành công. Anh học tiếng Nhật tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo trong một năm và nhập học Khoa Y của Đại học Y Nha Tokyo năm 2003.

Thời sinh viên, anh tham gia Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) với mong muốn tân dụng thời gian rảnh của mình để đóng góp cho quan hệ hữu nghị Nhật Việt. Anh tích cực lập kế hoạch và tham gia các hoạt động về giao lưu văn hóa. Năm 2012, khi chuẩn bị hoàn thành chương trình Tiến sĩ, anh quyết định bắt đầu một công việc tình nguyện liên quan đến y học.

“Mỗi lần về nước, tôi nhận ra bà con Việt Nam mình đang thiếu kiến thức về y học. Người bệnh có xu hướng tin tưởng vào lời đồn mà mình nghe được rồi làm theo để điều trị, dẫn đến rất nhiều hậu quả.”
Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ Quý đã cùng các đồng nghiệp người Việt tạo nên tổ chức thiện nguyện mang tên “Y Học Cộng Đồng”.

“Đầu tiên, chúng tôi dịch các bài viết về phòng và điều trị bệnh từ các trang web có độ tin cậy cao như Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ sang tiếng Việt và đăng lên website của dự án để người Việt Nam có được những thông tin đáng tin cậy hơn. Với một người con xa xứ như tôi, đây là phương pháp phù hợp và thiết thực để giúp đỡ đồng bào ở quê nhà”.

Hiện tại, Phạm Nguyên Quý là bác sĩ chuyên khoa Ung thư Nội khoa tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, phụ trách điều trị ung thư bằng hóa trị. Ngoài dự án “Y Học Cộng Đồng”, anh còn tư vấn sức khỏe miễn phí, tư vấn trực tuyến về những gì cần chuẩn bị trước và trong khi điều trị, đồng thời tổ chức các buổi talkshow/livestream giúp người Việt ở Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế an toàn và yên tâm hơn.

“Ngoài ra, tôi cũng giới thiệu các bác sĩ Việt Nam sang Nhật Bản học tập và tham gia tổ chức các sự kiện để các bác sĩ Nhật Bản về chia sẻ kiến thức, kĩ năng tại Việt Nam.”

Là bác sĩ người Việt hiếm hoi làm việc tại Nhật Bản trong hơn 10 năm qua, bác sĩ Quý cho biết:
“Tôi rất biết ơn Nhật Bản đã cho tôi một môi trường tuyệt vời để học tập, nghiên cứu và hành nghề y. Tôi mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa với tư cách là một bác sĩ ở Nhật Bản. Số lượng người Việt Nam sống ở Nhật Bản ngày càng tăng, nhưng hiện có rất ít bác sĩ Việt Nam ở đây nên tôi nghĩ rằng sự cố gắng của những bác sĩ biết tiếng Việt như tôi là cần thiết”.

Sự nhân văn trong ngành y tại Nhật
đã thay đổi quan điểm về nghề bác sĩ

Về lĩnh vực y khoa, bác sĩ Quý cho rằng người Nhật rất coi trọng sự an toàn và luôn thận trọng. Ví dụ, khi phẫu thuật hay điều trị một bệnh gì đó, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra cẩn thận hết lần này đến lần khác. Thêm vào đó, các bác sĩ cũng thảo luận kĩ càng với bệnh nhân và gia đình họ, giải thích rõ ràng ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị để cùng ra quyết định. Nói cách khác, họ rất tôn trọng bệnh nhân.

“Đặc biệt, sự nhân văn trong y tế Nhật Bản thể hiện ở chỗ họ tử tế ngay cả với người khuyết tật. Bất kể bệnh nhân có khiếm khuyết gì, ở trong bất kì hoàn cảnh nào, các bác sĩ đều không tự tiện ra quyết định thay cho bệnh nhân mà sẽ tìm nhiều phương pháp khác nhau để giúp họ hiểu vấn đề và ra quyết định theo quan điểm/nguyện vọng của mình. Việc này rất tốn thời gian và công sức nhưng nó sẽ giúp giảm xung đột và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Thói quen đặt mình vào vị trí của người bệnh và tận tâm với bệnh nhân như vậy đã có tác động lớn tới của bác sĩ Quý và thay đổi quan điểm của anh về nghề nghiệp của mình.
“Tôi từng nghĩ rằng thành công của một bác sĩ là có được kiến thức và kĩ thuật điều trị tiên tiến cũng như chứng minh được khả năng của mình. Nhưng ngành y tại Nhật Bản đã dạy tôi rằng, việc đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị và giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chứng minh bác sĩ là ai.”

Xây dựng mối quan hệ đối tác thực sự
thông qua giao lưu thực tiễn 

Bác sĩ Quý nhận thấy rằng Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng nên hiện tại hai nước đang hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực.

“Nhật Bản là “đàn anh” của Việt Nam, có kinh nghiệm phong phú về khoa học, công nghệ, y học nhưng cũng đang phải đối mặt với các vấn đề xã hội như dân số già đi. Việt Nam đang đóng góp cho nền kinh tế Nhật Bản bằng cách cung cấp lực lượng lao động trẻ, và chính những người Việt ấy cũng học được rất nhiều điều từ Nhật Bản.”

Để duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị này, bác sĩ Quý cho rằng cần có sự hỗ trợ phù hợp về các phương diện như pháp lý cũng như sự thấu hiểu giữa hai bên. Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, anh mong rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu giữa bác sĩ hai nước.

“Hiện nay, hầu hết các hoạt động trao đổi y học giữa Nhật Bản và Việt Nam đều diễn ra thông qua các hội nghị, hội thảo giới thiệu kiến thức, công nghệ mới. Nhưng trong y học, thực hành và được ‘cầm tay chỉ việc’ rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng chính phủ hai nước sẽ phát triển thêm nhiều dự án chú trọng về thực hành để những tiếp cận và điều trị tiêu chuẩn của nền y tế Nhật Bản có thể dần lan rộng tới Việt Nam và cải thiện chất lượng của điều trị lâm sàng.”

Anh cũng mong muốn người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được xem là những đối tác lâu dài của Nhật Bản.
“Tôi mong chính phủ Nhật Bản sẽ quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc y tế cho người Việt tại Nhật, bắt đầu từ các thực tập sinh. Cần có nhiều biện pháp hỗ trợ để giảm bớt rào cản về ngôn ngữ, kinh tế và kiến thức để họ có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản tại Nhật Bản.”

Năm 2000, Phạm Nguyên Quý đậu vào khoa Y Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2002 anh nhận được học bổng MEXT và sang Nhật du học. Năm 2009, anh tốt nghiệp Trường Đại học Y Nha Tokyo, nhận bằng Bác sĩ Quốc gia Nhật Bản và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2013. Năm 2012, anh thành lập dự án tình nguyện “Y Học Cộng Đồng”, bắt đầu bằng việc biên soạn các bài viết bằng tiếng Việt về phòng ngừa và điều trị bệnh cho người Việt trên website dự án. Hiện nay, anh điều trị và hỗ trợ các bệnh nhân ung thư và nhiều bệnh khác tại Nhật Bản và Việt Nam với tư cách Bác sĩ Trưởng, Khoa Ung thư Nội khoa tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >