Vùng đất của những ước mơ thành hiện thực
Từ một ý tưởng thoáng qua đến thương hiệu được yêu thích
Nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Taran.
Wada Ryoko
Wada Ryoko là nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm organic “Taran.” có trụ sở tại Hội An. Ý tưởng về thương hiệu “Taran.” bắt đầu từ căn bệnh viêm da cô mắc phải khi còn nhỏ. Từ một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, đến nay trải qua 7 năm, các sản phẩm của cô đã chinh phục được những khách hàng khó tính, không chỉ khách nước ngoài mà cả nhiều fan Việt Nam.
Chuyến du lịch thay đổi cuộc đời
Nhân viên là nguồn động viên giúp vượt qua rào cản ngôn ngữ
“Khi còn ở Nhật, tôi là cửa hàng trưởng của một tiệm bánh ngọt phục vụ khách du lịch. Lần nọ, bạn bè rủ tôi cùng du lịch sang Đà Nẵng. Lúc đó tôi không biết bất kì thông tin gì về Việt Nam cũng như nơi mình sắp đến. Khi đến nơi, tôi như bị choáng ngợp trước thành phố du lịch tràn đầy năng lượng, thiên nhiên phong phú. Chỉ đáng tiếc là ở đó không có nhiều sản phẩm quà lưu niệm chất lượng.”
Ý tưởng kinh doanh chợt đến với cô trong lần cô ghé một tiệm massage trong chuyến du lịch này. Cô rất bất ngờ trước chất lượng của sản phẩm dầu massage thiên nhiên tại đây.
“Tôi bị viêm da dị ứng nên từ nhỏ chỉ có thể dùng những loại mỹ phẩm organic. Ở Việt Nam, nguyên liệu rất nhiều nhưng sản phẩm hoàn chỉnh để mua làm quà hay mua cho chính mình lại rất ít. Lúc đó tôi nghĩ “Hay mình làm một thương hiệu mỹ phẩm organic sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam”. Vốn dĩ tôi luôn mơ ước được khởi nghiệp trước năm 30 tuổi và cũng không có nhiều cơ hội tìm thấy ý tưởng phù hợp, vì vậy, ngay khi trở về Nhật tôi đã biết mình cần phải làm gì.”
Sau khi về Nhật, cô lập tức ghé thăm các công ty đang kinh doanh ở Việt Nam để tìm hiểu thông tin. Chỉ bốn tháng sau chuyến ghé thăm Đà Nẵng, cô đã chuyển hẳn sang Việt Nam sinh sống. Cô vừa làm công việc startup một quán cà phê tại Hà Nội vừa ấp ủ dự án. Đến năm 2017 cô đã cho ra đời đứa con tinh thần của mình – thương hiệu mỹ phẩm “Taran.” Cô bắt đầu tuyển nhân viên, mời thêm các chuyên gia về trợ giúp phát triển sản phẩm.
“Tôi rất yếu ngoại ngữ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên thời gian đầu rất lo lắng. Thế nhưng rất may mắn, tôi đã gặp được rất nhiều các bạn sinh viên vừa làm thêm vừa chăm chỉ học tiếng Nhật vì các bạn chọn theo học tiếng Nhật như môn ngoại ngữ thứ hai ở trường đại học. Các bạn đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi cũng rất vui vì có bạn làm cho tôi suốt 4 năm thời sinh viên, sau đó bạn sang Nhật nhưng đến bây giờ vẫn còn giữ liên lạc.”
Lẽ đương nhiên ở nước này chưa hẳn đúng ở nước khác
Chấp nhận sự khác biệt để gắn kết nhau
Chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao càng được nhiều người ưa chuộng. Câu chuyện nghe qua tưởng chừng thuận buộm xuôi gió nhưng thực chất không ít lần cô đã phải đối mặt với khó khăn.
“Ví dụ như ở Việt Nam, khi tiếp khách nhân viên thường tư vấn để mong bán được sản phẩm. Họ không hiểu rằng mục đích của khách hàng đến đây là để du lịch Việt Nam. Và để họ có được những trải nghiệm tốt về Việt Nam thì khi khách vào cửa hàng, trước hết mình sẽ mời một ly nước chào đón miễn phí, tặng khách đồ đi mưa vào ngày mưa hay tư vấn cho khách những thông tin du lịch hữu ích… Tuy nhiên, suốt một thời gian đầu nhân viên không hiểu và luôn thắc mắc vì sao phải cung cấp dịch vụ miễn phí như vậy”
“Mục đích của cửa hàng không phải là bán hàng mà là mang đến niềm vui cho khách hàng” – Đây là triết lý kinh doanh mà cô thường xuyên tâm sự với nhân viên của mình… Kết quả là đến nay, toàn bộ nhân viên đều hiểu và đồng hành cùng cô, thậm chí có những bạn nhân viên còn có fan riêng, khách đến tiệm muốn chụp ảnh lưu niệm cùng.
“Điều tôi học được chính là những điều mình nghĩ là lẽ đương nhiên ở Nhật chưa chắc đã đúng ở Việt Nam. Bản thân phải vứt bỏ suy nghĩ người khác phải giống mình, biết chấp nhận sự khác biệt là rất quan trọng. Có như vậy mọi việc mới mở ra nhiều cơ hội mới được.”
Việt Nam giúp tôi hiểu rõ giá trị bản thân
Thêm tự tin để tiếp tục phấn đấu
Kể từ khi trưởng thành, kinh nghiệm sống của Wada tại Việt Nam còn nhiều hơn ở Nhật. Cô đang rất thoải mái với cuộc sống hiện tại, tuy nhiên vài năm trở lại đây các quy định về cấp visa, điều kiện để người nước ngoài sinh sống, làm việc, kinh doanh tại Việt Nam đang dần thắt chặt.
“Mảnh đất này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Tôi hi vọng các chính sách sắp tới sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho người Nhật có thể thuận tiện sang đầu tư, sinh sống.”
Trên thực tế, những rào cản khi khởi nghiệp ở Nhật đều trở nên nhẹ nhàng hơn khi sang Việt Nam, suy nghĩ của Wada cũng có sự thay đổi lớn.
“Rất nhiều người Việt Nam tự tin và hiểu rõ giá trị bản thân. Ví dụ như bằng cấp, họ không cần đợi ai yêu cầu mới học mà chỉ cần bản thân thấy cần thiết thì sẽ học một cách nghiêm túc. Tôi học được rằng sự tự tin vào những lựa chọn của mình là rất quan trọng. Việt Nam trong suy nghĩ của tôi là nơi những ước muốn thành hình, là đất nước tràn đầy sức sống.”
Sinh năm 1989 tại Hokkaido. Trước khi sang sinh sống tại Việt Nam, cô là cửa hàng trưởng của một tiệm bánh ngọt tại Nhật.
Sau thời gian làm công việc tư vấn trong lĩnh vực ẩm thực, năm 2017 cô tách riêng và cho ra đời thương hiệu mỹ phẩm thiên
nhiên “Taran.”.
Năm 2021 cô dời cửa hàng tới Hội An, ngoài mỹ phẩm cô còn cung cấp các sản phẩm mật ong thiên nhiên…
|