Japan Embassy

Header

Cầu nối giữa người nông dân và nhà hàng
Công cuộc cải cách chuỗi cung ứng thực phẩm nội địa

Tanaka Taku
CEO kiêm nhà sáng lập KAMEREO

Tanaka Taku

Tại Việt Nam, sự thiếu vắng của các tổ chức như Liên đoàn Nông nghiệp… đã dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình phân phối nông sản từ nông dân đến các nhà hàng. Để giải quyết bất cập và nâng cao hiệu quả của quá trình này, một doanh nhân trẻ đã kết hợp thành công công nghệ và mạng lưới phân phối của công ty để tạo ra nền tảng KAMEREO – nhà phân phối B2B ứng dụng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Doanh nhân đó chính là anh Tanaka Taku.

Thỏa mơ ước hoạt động trong ngành F&B tại Việt Nam
Cú chuyển mình với hệ thống nâng cao hiệu quả cung ứng

“Từ khi con nhỏ, tôi đã ao ước được làm việc ở nhà hàng. Mặc dù từng làm việc ở công ty chứng khoán nhưng mỗi khi nghe bạn bè kể về ngành F&B, mong muốn được bước chân vào thế giới ẩm thực trong tôi lại trỗi dậy, muốn thử sức mình ở một đất nước mới mẻ tràn đầy sức sống. Vì vậy tôi luôn tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài.”

Khởi nghiệp ở nước ngoài bắt đầu từ con số không là rất chông gai. Vì vậy anh bắt đầu tập trung tìm hiểu một số quốc gia đang phát triển, ở đó anh có thể tích lũy dần kinh nghiệm. Trong đó anh đặc biệt quan tâm đến Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi trúng tuyển vào một nhà hàng tại đây, anh chuyển tới Việt Nam sinh sống. Trong quá trình làm việc, anh nhận ra nhiều vấn đề trong ngành ẩm thực cũng như chuỗi cung ứng thực phẩm của Việt Nam.

“Ở Nhật có các Liên đoàn Nông nghiệp, nhiều công ty lớn chuyên phân phối thực phẩm nên kênh phân phối rất rõ ràng. Thế nhưng ở Việt Nam, các nhà hàng thường phải mua nguyên liệu ở chợ hoặc thu mua từ nhiều thương lái khác nhau. Cách thức đặt hàng thay đổi tùy từng nhà cung cấp dẫn đến nhiều bất cập, nhầm lẫn trong khâu đặt và nhận đơn.”

Từ kinh nghiệm này, năm 2018 anh đã tách riêng và thành lập công ty KAMEREO cung cấp hệ thống đặt và tiếp nhận đơn hàng với nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng. Chỉ một cú nhấp chuột, khách hàng có thể đặt mua hàng loạt sản phẩm, đồng thời quản lý số lượng, giá trị đơn hàng ngay trên hệ thống. Thế nhưng việc tiếp nhận và xử lý đơn hàng do doanh nghiệp đối tác thực hiện nên đã xảy ra nhiều trường hợp giao nhầm sản phẩm hoặc chậm trễ trong giao hàng.

“Tôi quyết định thành lập điểm thu mua nông sản tại Đà Lạt và công ty trực tiếp kinh doanh. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng do công ty tự thực hiện và xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Khách hàng của chúng tôi hiện nay gần 2000 doanh nghiệp bao gồm nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện… Công ty chỉ có mỗi tôi là người Nhật, toàn bộ việc vận hành, cải thiện quy trình đều do đội ngũ nhân viên Việt Nam hỗ trợ.” 

Ý tưởng tốt sẽ mở ra tiềm năng vô hạn
Tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam

KAMEREO đã mang đến một cuộc cách mạng mới trong ngành cung ứng thực phẩm. Việc thử sức ở Việt Nam cũng đã mang đến nhiều thay đổi trong cuộc đời anh Tanaka.

“Thế mạnh của Việt Nam theo tôi nghĩ đó là biến những điều không thể tại Nhật Bản thành có thể. Từ năm nay, chúng tôi cho ra mắt sản phẩm mới – rau củ tổng hợp cắt sẵn đóng gói. Có rất nhiều sản phẩm thường ngày tại Nhật Bản nhưng lại rất mới mẻ đối với Việt Nam. Qua đó có thể thấy Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng cho doanh nghiệp thử sức.”

Người dân Việt Nam thân thiện, cần cù, món ăn ngon, môi trường sống thoải mái là những yếu tố quan trọng giúp anh gắn bó công việc lâu dài tại đây. Từ một lựa chọn ngẫu nhiên ban đầu, giờ đây anh đã cảm nhận được những tiềm năng to lớn của đất nước này và mong muốn tiếp tục gắn bó lâu hơn.

“Thật may mắn nếu bạn thử sức và thành công, nhưng nếu nhỡ có thất bại thì cũng không thành vấn đề. Bạn chỉ cần bắt đầu lại từ đầu. Trước mắt tôi sẽ tập trung phát triển thị trường ở Tp. Hồ Chí Minh và dự kiến sau vài năm sẽ mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng. Mơ ước của tôi là có thể phát triển công ty thành chuỗi cung ứng lớn nhất tại Việt Nam.”

Tìm tòi hướng đi mới cho ngành cung ứng thực phẩm
Những kỳ vọng vào dự án khởi nghiệp Nhật Bản

Hiện nay, mặt hàng chính mà KAMEREO kinh doanh là nông sản trong nước, nhưng anh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của hai nước. Việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước còn nhiều quy định hạn chế, chủng loại hàng hóa được phép xuất nhập khẩu chưa nhiều. Tuy nhiên, anh tin rằng nếu có cách làm phù hợp thì con đường phía trước sẽ rộng mở. 

“Nếu chỉ nhập hàng về và bán thì giá thành sẽ rất cao và khó tiêu thụ. Thế nhưng nếu chúng ta có thể ứng dụng kỹ thuật của Nhật Bản để tạo ra sản phẩm ngay tại Việt Nam thì giá thành sẽ rẻ hơn và dễ tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng hi vọng các quy định hạn chế xuất nhập khẩu sẽ được nới lỏng để có thể giới thiệu đến người dân Nhật Bản các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam với giá thành hợp lý.”

Đồng thời, anh hi vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều lực lượng trẻ Nhật Bản sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

“Hiện nay tại Việt Nam, các dự án khởi nghiệp do người Nhật khởi xướng chưa nhiều. Thế nhưng, dư địa phát triển của Việt Nam còn rất lớn. Việc tìm ra giải pháp mới cho những khó khăn, bất cập của người dùng là gốc rể, khởi nguồn cho ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam có khoảng cách địa lý gần với Nhật Bản, chi phí khởi nghiệp khá thấp so với các nước khác và là một quốc gia lý tưởng để các bạn trẻ thử sức mình.”

Sinh năm 1989 tại tỉnh Shizuoka. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc tại công ty chứng khoán nước ngoài nhưng với niềm yêu thích lĩnh vực F&B, anh đã quyết định nghỉ việc và chuyển đến làm tại một nhà hàng Nhật ở Tp. Hồ Chí Minh. Anh đảm nhiệm vị trí COO phụ trách thành lập, quản lý nhà hàng… Hiểu rõ những khó khăn của các nhà hàng địa phương, năm 2018 anh đã tách riêng và thành lập công ty Kamereo.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >