Japan Embassy

Header

Cung cấp những thông tin chính xác về Việt Nam
Đóng góp cho sự kết nối văn hóa, kinh doanh giữa hai nước

Sou Masaki
CEO tại công ty Source Viet Nam

Sou Masaki

Các văn bản pháp luật, quy định của Việt Nam thường được ban hành bằng tiếng Việt và thay đổi liên tục. Đây là rào cản lớn cho các doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam. Là một doanh nhân sinh ra trong gia đình gốc Việt sống tại Nhật Bản, hiểu rõ văn hóa, tập quán kinh doanh hai nước, anh Sou Masaki (Công ty Source Viet Nam) vẫn đang từng ngày đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước thông qua hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tư vấn pháp luật, tài chính và cập nhật thông tin mới nhất về Việt Nam.

Từ Nhật Bản tìm về cội nguồn Việt Nam 
Lấp đầy “lỗ hổng thông tin” 

Mang trong mình dòng máu Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Nhật, anh Sou có mẹ là người Việt và ba là con lai giữa Việt Nam và Đài Loan. Mặc dù được hưởng nền giáo dục Nhật từ nhỏ nhưng anh vẫn không quên cội nguồn Việt Nam, trong gia đình anh vẫn giữ thói quen nói tiếng Việt và có thời gian du học tại Việt Nam. Nhận thấy nhiều tiềm năng của Việt Nam, anh chính thức chuyển về Việt Nam sinh sống từ năm 2013.

“Khi ở Nhật tôi làm các công việc kinh doanh, kỹ sư cầu nối… Tôi từng làm phiên dịch viên nhưng thời đó nhu cầu tiếng Việt chưa nhiều. Tôi luôn tự hỏi liệu cứ tiếp tục đi làm như vậy có ổn không? Chắc chắn phải có việc gì đó bản thân có thể làm. Thế là tôi chọn đến Việt Nam, nơi độ tuổi trung bình trẻ, nhiều doanh nghiệp đang thâm nhập thị trường… Đây là thời điểm tốt nhất để tôi kịp thời nắm bắt cơ hội và gieo mầm cho những ý tưởng của mình.”

Vừa đến Việt Nam, anh nhanh chóng nhận công việc kinh doanh cho một ấn phẩm báo chí tiếng Nhật. Tại đây anh có cơ hội gặp gỡ doanh nhân tại nhiều doanh nghiệp. Đồng thời anh nhận ra những thông tin mà người Nhật có được thời bấy giờ khá cũ, không chính xác, tạo nên một khoảng cách lớn giữa hai nước. Bản thân hiểu được ngôn ngữ của cả hai nước, lại có mong muốn truyền tải thông tin một cách chính xác, anh đã thành lập nên công ty Source Viet Nam.

“Rất nhiều thông tin không chính xác nhưng được phổ biến rộng rãi khiến mọi người mặc nhiên nghĩ đó là đúng, từ hướng dẫn thành lập công ty, mở nhà hàng, xin visa, tìm việc làm, thuê nhà, tập quán kinh doanh Việt Nam… Bản thân tôi đã từng tin vào những thông tin này và gặp thất bại. Đến khi bản thân thực tế trải nghiệm khởi nghiệp thì mới hiểu ra nhiều điều, những kinh nghiệm đó trở thành thế mạnh cho tôi hiện nay.

“Ví dụ như khi khách hàng nhờ công ty chúng tôi hỗ trợ xin giấy phép kinh doanh ở một lĩnh vực khó nhằn, khi đó chúng tôi sẽ tự xin giấy phép ở cùng lĩnh vực cho chính công ty mình. Khi đã có tiền lệ cấp cho công ty chúng tôi rồi thì khả năng khách hàng cũng sẽ xin được cấp rất cao. Có thể tự hào nói, ngoài xin giấy phép hoạt động, chúng tôi hỗ trợ khách hàng thành lập doanh nghiệp, hoàn thành và đáp ứng tất cả yêu cầu đa dạng từ khách hàng.”

Bỏ qua những chi li, tiểu tiết để bản thân được thả lỏng 
Hòa nhập vào văn hóa bản địa để nhận ra giá trị mới

Mặc dù hiểu rõ việc kinh doanh ở Việt Nam nhưng vẫn có nhiều điều mới mẻ về người Việt mà đến bây giờ anh mới nhận ra.
“Ví dụ như một lần nọ tôi nghe thấy anh quản lý phàn nàn về nhân viên làm việc chậm chạp. Cá nhân tôi nghĩ anh quản lý nói cũng hợp lý, nhưng đối tác của tôi lại có suy nghĩ khác, mỗi người có một khả năng khác nhau, có người nhanh nhẹn sẽ có người chậm chạp. Điều đó rất hiển nhiên nhưng trước giờ tôi chưa nhận ra. Điều quan trọng là đúng người, đúng lúc. Nếu công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn thì ngay từ đầu anh ta nên tìm một người phù hợp cho vị trí đó.”

Ngoài ra, anh cũng nhận ra những điều thú vị trong cách phân biệt xưng hô “anh – chị” đối với người lớn tuổi hơn và “em” đối với người nhỏ tuổi.

“Ở Nhật mọi người quan trọng mối quan hệ tiền bối – hậu bối hơn là tuổi tác. Thế nhưng ở Việt Nam, tuổi tác lại ảnh hưởng nhiều đến công việc. Người lớn tuổi hơn thường cố gắng giúp người trẻ. Ngược lại người trẻ hơn thường chủ động giúp đỡ các công việc vặt. Điều đó cho thấy sự cân bằng, bình đẳng trong văn hóa.”

Anh cũng nhận ra một khác biệt khi sống trong môi trường phần lớn là người Việt. Sinh ra tại Nhật, từ trước đến nay anh luôn lấy văn hóa Nhật làm chuẩn mực, nhưng bằng cách cân bằng với văn hóa Việt, anh đã có thể cho phép bản thân “thả lỏng” đôi chút.

“Người Việt Nam thường nói ‘Ở đây là Việt Nam’, thay vì cố sức phản bác thì việc chấp nhận như vậy sẽ ít áp lực hơn và công việc cũng đơn giản đi. Cho đến năm 2023 hiện nay, xã hội Việt Nam vẫn phát triển và chưa xảy ra vấn đề gì to tát. Điều đó cho thấy cách vận hành này vẫn đúng. Có thể nó không đúng theo suy nghĩ của người Nhật nhưng ở đây là Việt Nam. Việc thích nghi với nó là rất quan trọng.”

Dồn hết tâm huyết vào công việc đủ để vỡ òa cảm xúc
Hướng đến xây dựng một không gian văn hóa chung Việt – Nhật

Suốt nhiều năm qua anh đã mang đến nhiều thông tin hữu ích về Việt Nam cho cộng đồng Nhật Bản thông qua công việc tư vấn, truyền thông. Dự định sắp tới của anh vẫn là có thể góp sức cho sự phát triển quan hệ hai nước.

“Hiện nay tôi đang cố gắng để dốc hết sức vào công việc. Cũng như các tuyển thủ bóng đá khi dồn hết tâm huyết vào trận đấu thì kết quả thắng hay thua họ đều vỡ òa trong nước mắt. Bản thân tôi chưa từng xúc động việc gì đến phát khóc. Vì vậy tôi hy vọng bản thân có thể dồn hết tâm trí vào công việc, đủ để vỡ òa cảm xúc khi nhìn thấy thành quả. Trong những năm gần đây, tôi bắt đầu hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập sang thị trường Nhật. Mong rằng tôi có thể giúp ích nhiều hơn nữa cho quan hệ hai nước.”

Anh cũng hy vọng sắp tới sự hiện diện của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa.
“Ngoại trừ một số nét văn hóa Nhật đã bám rễ sâu rộng tại Việt Nam như xe máy, mì ăn liền, anime thì sự hiện diện của Nhật tại Việt Nam vẫn chưa nhiều. Tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa những thương hiệu Nhật lưu dấu ấn sâu sắc tại Việt Nam. Đó có thể là tiệm mì ramen hoặc nhà hàng gia đình được đông đảo người Việt Nam yêu thích, có thể là thương hiệu bánh mì Nhật đặc biệt ngon… Những thương hiệu này không chỉ được biết đến ở các thành phố lớn mà còn phổ biến khắp các vùng miền để rồi dần dần bám rễ, đến lúc nào đó người Việt Nam có thể nói về nó một cách đầy tự hào như chính là đặc sản của nước mình. Được như vậy thì sự kết nối về văn hóa, kinh doanh sẽ ngày càng sâu rộng và bền chặt.”

Anh sinh năm 1986 tại tỉnh Hyogo, sinh ra và lớn lên trong gia đình người Việt di cư sang Nhật. Sau khi tốt nghiệp đại học anh làm các công việc kinh doanh, phiên dịch viên tiếng Việt. Năm 2013 anh sang Việt Nam và thành lập công ty Source Viet Nam vào năm 2015. Bên cạnh dịch vụ hỗ trợ đầu tư, công ty anh còn phát hành ấn phẩm L.I.V giới thiệu các thông tin về Việt Nam. Anh đã có những đóng góp sâu rộng cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam cả về công việc lẫn đời sống. 

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >