Japan Embassy

Header

Đặt mình vào vị trí đối phương để thấu hiểu, cảm thông
Ước mơ góp phần đào tạo thế hệ nhân tài Việt

Seino Shigekazu
Kiến trúc sư cấp 1 thiết kế thiết bị - Giám đốc điều hành cấp cao công ty SHOU SEKKEI VIETNAM

Seino Shigekazu

Seino Shigekazu là chuyên gia thiết kế thiết bị cho các công trình kiến trúc. Anh thuộc tuýp người “Hành động ngay khi có ý tưởng”. Ban đầu, anh tích lũy kinh nghiệm bằng cách làm việc cho một công ty thiết kế kế lớn, sau đó, bằng sự quyết đoán thiên bẩm cùng năng lực hành động của mình, anh mở rộng phạm vi làm việc của mình từ Toyama tới Tokyo, qua Việt Nam rồi đến Campuchia. Liên tục đi lại giữa các quốc gia để làm việc, anh nhận ra mình có thể quản lý công việc ở từng nơi dựa vào thái độ thích ứng, đối mặt trực diện với những người xung quanh.

Dùng thời gian và sự tỉ mỉ
để đào tạo những người Việt đầy can đảm và đầy quyết tâm

Là một chuyên gia về thiết kế thiết bị, anh Seino thường xuyên đi lại, làm việc giữa các nước Nhật Bản, Việt Nam và Campuchia. Anh từng phụ trách thiết kế thiết bị dùng cho bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội tại một tập đoàn nổi tiếng. Với mong muốn thiết kế ra những sản phẩm phục vụ tốt hơn nhu cầu người dùng, anh đảm nhận vị trí quản lý các công trình xây mới, cải tạo bệnh viện, qua đó dần tích lũy vốn kinh nghiệm thực địa ở công trường.

Lần đầu tiên anh đến Việt Nam là để tham dự một sự kiện của Hiệp hội Thanh niên Nhật Bản với mục đích học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Bố anh từng có thời gian dài làm việc tại khu vực Đông Nam Á nên khi đến Việt Nam, anh không gặp nhiều bỡ ngỡ.

“Việc tôi chọn Việt Nam cũng khá tình cờ. Lúc đó Việt Nam là đất nước trẻ, năng động. Tôi cũng rất ấn tượng khi thấy Việt Nam có nhiều tòa nhà xây mới trong khi tại Nhật phần lớn chỉ là công trình cải tạo.”

Sau khi đến thăm Việt Nam, anh luôn mong muốn được tiếp xúc nhiều hơn với con người Việt Nam, vì vậy khi trở lại Nhật anh bắt đầu tuyển dụng nhiều nhân viên bán thời gian người Việt và thường xuyên sang Tp. Hồ Chí Minh công tác hơn. Anh trực tiếp đến thăm trường đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh để tuyển nhân viên hỗ trợ vẽ đồ lại những bản vẽ thiết kế dự án cải tạo ở Nhật bằng phần mềm AutoCAD, đồng thời luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.

“Tôi từng nhờ một công ty chuyên về AutoCAD tại Đà Nẵng mà tôi quen hỗ trợ gia công bản vẽ. Mặc dù phí gia công khá cao so với mặt bằng chung tại Việt Nam nhưng khi gia công như vậy thì người vẽ và người thi công tại công trường khác nhau dẫn đến chất lượng công trình không ổn định. Công việc này đòi hỏi gần mười năm tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành. Vì vậy, tôi đã quyết định lập công ty ở Việt Nam để đào tạo đội ngũ nhân lực.”
Ban đầu anh thành lập công ty tại Tp. Hồ Chí Minh, thế nhưng vì phần lớn nhân viên đều xuất thân ở miền trung nên anh đã dời văn phòng về Đà Nẵng. Hiện nay, anh đã mở rộng thêm chi nhánh văn phòng ở Bến Tre, Quảng Trị và Phnompenh (Campuchia).

“Chỉ chân thành mới đổi lại chân thành”

Trong quá trình đào tạo nhân viên, anh gặp không ít khó khăn, đồng thời cũng học hỏi thêm nhiều điều.
“Ban đầu các bạn làm sai rất nhiều, hầu như không sử dụng được. Tôi phải tự làm lại và đôi khi nghi ngờ liệu quyết định đầu tư của mình có đúng không. Thế nhưng, việc đào tạo phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của người học. Khi một nhân viên đã học được, tôi chỉ cần tập trung chỉ dẫn cho bạn và sau đó bạn sẽ tự chia sẻ kiến thức đó cho các thành viên khác. Đây thật sự là một điểm mạnh của người Việt Nam.”

Trong việc xây dựng tổ chức, anh cũng tạo điều kiện để nhân viên thử thách ở những vị trí cao hơn.
“Nếu chỉ làm đúng theo những việc được giao, các bạn sẽ không có tương lai. Trong khi đó, năng lực của các bạn Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Tôi mong muốn có thể đào tạo các bạn trưởng thành và xa hơn các bạn sẽ có thêm năng lực quản lý. Thất bại cũng được, chỉ cần rút ra bài học. Thất bại càng nhiều các bạn sẽ càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.”

Sau khi gắn bó với Việt Nam, anh Seino bắt đầu học tiếng Việt. Anh mua tới mười cuốn sách dạy tiếng Việt về để luyện đọc, sau đó học bằng cách chỉ sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày.

“Một khi đã làm việc tại đây thì việc học ngôn ngữ của người dân bản địa rất quan trọng. Tuy còn ngọng nghịu nhưng khi bạn truyền tải bằng tiếng Việt, mọi người sẽ thấy gần gũi, dễ đồng cảm hơn.”

Công việc chính vẫn là các dự án từ Nhật nên anh không quên nhắc nhở nhân viên về văn hóa, phong cách làm việc kiểu Nhật ví dụ như “Giữ đúng lời hứa”, “Luôn báo cáo”, “Luôn đặt mình vào vị trí đối phương”.

“Dù trong công việc hay có bất đồng văn hóa, chỉ cần bản thân thể hiện sự chân thành thì đối phương sẽ trao lại sự chân thành. Công việc thiết kế đòi hỏi phải không ngừng tích lũy kiến thức để cuối cùng cho ra hình hài sản phẩm. Tôi không muốn bản thân chỉ giao việc để nhân viên làm theo răm rắp.”

Mục tiêu tiếp theo của công ty anh là nhận được công việc thiết kế từ một dự án Việt Nam. Không chỉ thiết kế cho Nhật Bản, anh còn mong muốn đóng góp sức mình cho các dự án tại Việt Nam. Anh thường chia sẻ với nhân viên về tầm nhìn trong bốn, năm năm tới và luôn vạch rõ định hướng tương lai.

“Thật tốt khi có thể chia sẻ ước mơ của mình và được các bạn ủng hộ, cùng thực hiện. Tôi luôn cố gắng để giúp các bạn học thêm điều mới, được các bạn tin tưởng và gắn bó lâu dài cùng công ty.”

Bảo đảm lực lượng lao động cho Nhật Bản,
đảm bảo năng lực kĩ thuật cho người Việt

Làm việc tại cả Việt Nam và Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều người, anh nhận ra rằng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn có nhiều điều cần cải thiện, đặc biệt là trong chế độ thực tập sinh.

“Hiện nay, chúng ta chỉ đang xem trọng việc đảm bảo nguồn lao động cho Nhật Bản nhưng chưa xem trọng việc nâng cao năng lực, kĩ thuật của thực tập sinh Việt Nam cũng như những giá trị của công việc đối với con đường tương lai của họ. Những điều họ học được khi thực tập tại Nhật không ứng dụng được khi trở về Việt Nam. Nếu Nhật Bản chia sẻ thêm những kĩ thuật tiên tiến sang Việt Nam thì trình độ của Việt Nam sẽ nâng lên, theo đó ngành công nghiệp sản xuất cũng phát triển.”

Là người theo đạo Phật, anh Seino luôn thấm nhuần triết lý “Tự lợi và Lợi tha” của nhà Phật.

“Đứng từ góc độ của thực tập sinh để suy nghĩ xem các bạn ấy có thể tiếp thu được kĩ thuật đến mức độ nào sẽ mang lại lợi ích cho chính chúng ta. Tôi nghĩ rằng việc truyền thụ kĩ thuật trên cơ sở tư duy từ góc độ người tiếp nhận (người học) là điều quan trọng. Không phải việc gì cũng cứ lôi ‘Nhật Bản – Việt Nam’ ra mà chung cuộc phải nhắm tới quan hệ trực tiếp giữa hai con người. Tôi cho rằng trong tương quan ‘tôi và anh’, cần phải phá bỏ rào cản quốc gia để tự do giao lưu thì việc đó mới gắn kết với sự phát triển của cả hai.”

Trong tất cả mọi việc, anh luôn ân cần quan tâm đến cảm nghĩ của đối phương. Điều đó được cảm nhận rõ qua từng câu chuyện anh kể, trong giọng điệu từ tốn, điềm đạm suốt buổi phỏng vấn.

Sau khi tốt nghiệp Cao học của Đại học Osaka khoa công nghệ môi trường, anh làm việc tại bộ phận thiết kế thiết bị của tập đoàn Nikken Sekkei, chuyên phụ trách thiết kế bệnh viện, các cơ sở bảo trợ xã hội… Anh đảm nhận vị trí giám đốc dự án các công trình xây thêm khối nhà mới, công trình cải tạo tại bệnh viện Shinseikai Toyama, song song đó anh học thêm các chứng chỉ Kiến trúc sư cấp 1, Thiết kế thiết bị, chứng chỉ Quản lý cơ sở vật chất… Năm 2019, anh thành lập công ty SHOU SEKKEI VIETNAM chuyên tư vấn thiết kế thiết bị, bảo trì tòa nhà tại các nước Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia…

 

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >