Japan Embassy

Header

Mong muốn truyền đạt tiếng Nhật và văn hóa Nhật
cho trẻ em vì sự phát triển của tỉnh Bình Dương

Nguyễn Thị Tuyết Trinh
Giáo viên tiếng Nhật, người thành lập “Trung tâm Nhật ngữ Yuki Sensei”

Nguyễn Thị Tuyết Trinh

Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã được đào tạo về giáo dục tiếng Nhật tại cả Việt Nam lẫn Nhật Bản. Cô thành lập trung tâm tiếng Nhật với mong muốn tạo ra một môi trường để trẻ em ở tỉnh Bình Dương có thể thoải mái trao đổi về manga, anime, cũng như cũng có thể học hỏi và trải nghiệm văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi đã trò chuyện cùng cô về những điều xoay quanh tiếng Nhật cũng như ý nghĩa của việc dạy tiếng Nhật cho trẻ em.

Xây dựng nơi truyền tải văn hóa Nhật tại tỉnh Bình Dương
địa phương đang nỗ lực trong công tác đào tạo tiếng Nhật

Năm 2009, tỉnh Bình Dương thực hiện tuyển chọn ứng viên đến học tiếng Nhật tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh giáo dục tiếng Nhật ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Lúc đó Tuyết Trinh mới tốt nghiệp phổ thông, cô đã nộp đơn và được chọn tham gia chương trình.

“Thật ra tôi ứng tuyển không phải vì thích Nhật Bản hay tiếng Nhật. Lúc đó, các công ty Nhật Bản xuất hiện ngày càng nhiều tại Bình Dương, nơi tập trung rất nhiều công ty, nhà máy sản xuất. Tôi cảm thấy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là với Bình Dương sẽ ngày càng mở rộng. Do vậy, tôi nghĩ rằng giáo dục tiếng Nhật sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển theo nên đã quyết định ứng tuyển.”

Sau khi tốt nghiệp năm 2013, cô bắt đầu dạy tiếng Nhật cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở tỉnh Bình Dương.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận ra rằng có rất nhiều học sinh yêu thích văn hóa Nhật Bản như manga và anime. Tuy nhiên, lúc đó trong tỉnh chưa có một nơi để các em có thể học hỏi và trải nghiêm nhiều điều về Nhật Bản. Vì vậy, sau khi hoàn thành khóa đào đạo tại Nhật, tôi đã lập ‘Trung tâm Nhật ngữ Yuki Sensei’ tại Bình Dương.”

Ngoài tiếng Nhật, trung tâm còn chú trọng giảng dạy văn hóa và cách ứng xử của người Nhật. Vào thời điểm mới thành lập, trung tâm hướng đến học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trong ba buổi học mỗi tuần thì có một buổi được dành để giới thiệu văn hóa Nhật Bản như trà đạo, cách làm cơm nắm onigiri, các lễ hội của Nhật,… Tuy nhiên, lúc đó có nhiều phụ huynh không nghĩ đến niềm đam mê của con cái họ đối với manga, anime và cosplay, và coi đó là “sở thích vô bổ”. Thấy các bậc phụ huynh không đồng tình với việc cho con đến trung tâm Nhật ngữ, Trinh muốn thay đổi suy nghĩ của họ.

“Đối với tôi, động lực học tập đến từ đam mê và sở thích. Nếu bạn yêu thích một điều gì đó, bạn mới tự động theo đuổi, tìm hiểu sâu về nó và đạt được kết quả.”

Vì vậy, trong các lớp học về văn hóa Nhật Bản, cô bắt đầu dạy cách ứng xử của trẻ em Nhật như phân loại rác, dọn dẹp sau bữa ăn… Sau một thời gian, phụ huynh thấy tác phong của con tiến bộ hơn, thấy con mình tự giác học tiếng Nhật trên mạng nên bắt đầu yên tâm và tin tưởng vào trung tâm.

Trung tâm còn có giáo viên người Nhật phu trách dạy hội thoại tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản.
“Khi giáo viên người Nhật dạy thì sự chú ý của các em lại càng tăng lên. Các em luôn chuẩn bị câu hỏi trước khi đến lớp để có thể giao tiếp với giáo viên người Nhật.”

Mở mang tầm mắt với phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm 
Vận dụng trải nghiệm tại Nhật trong lớp học

Trước khi thành lập trung tâm, Tuyết Trinh đã tham gia khóa đào tạo giáo viên tiếng Nhật của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và đến Nhật lần đầu tiên trong ba tuần để học về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật.
Cô chia sẻ: “Quan điểm của tôi về việc giảng dạy tiếng Nhật đã thay đổi rất lớn từ chuyến đi đó. Tôi đã học được ‘phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm’ – một phương pháp giảng dạy khuyến khích sự độc lập và sáng tạo của người học trong đó học sinh sẽ chủ động tiếp thu kiến thức và giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Tôi đã áp dụng phương pháp này cho đến hiện tại và cũng đang truyền đạt lại cho các giáo viên khác.”

Thông qua tiếp xúc thực tế người Nhật khi sống tại đất nước mặt trời mọc, cô cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của họ đối với người khác.

“Người Nhật đón tiếp khách rất chu đáo, mọi thứ trong phòng luôn gọn gàng, ngăn nắp. Khi chúng tôi ra ngoài, nhân viên chương trình luôn nhiệt tình giúp đỡ bất kể thời gian, ngay cả với những vấn đề nhỏ như nên để xe đạp ở đâu.”

Tuyết Trinh rất ngạc nhiên khi các trung tâm thương mại của luôn có trang bị sẵn máy khử rung tim AED. Cô nhận ra rằng người Nhật sẽ luôn chuẩn bị dự phòng cho mọi vấn đề chứ không phải chờ vấn đề xảy ra rồi với tìm cách giải quyết. Cô cũng chụp hình và quay video lại tất cả những điều khác mà mình đã trải nghiệm ở Nhật như trà đạo, thư đạo, suối nước nóng, cách đi tàu điện và sử dụng làm tài liệu giảng dạy.

Mong muốn phát triển quan hệ Việt Nhật
thông qua giao lưu của trẻ em

Tuyết Trinh hy vọng rằng, theo sự phát triển của mối quan hệ Nhật Việt, cơ hội giao lưu giữa học sinh Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Hiện nay, các hoạt động giao lưu Nhật Việt chỉ xoay quanh sinh viên đại học và người đi làm, còn rất ít cơ hội để học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông giao lưu với nhau. Vì vậy, tôi mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội hơn cho trẻ em hai nước tìm hiểu về nền văn hóa của đôi bên.”

Cô tin rằng việc tăng cường các cơ hội như vậy sẽ có tác động lớn đến giao lưu Nhật Việt.

“Trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của cha mẹ và người thân, vì vậy tác động đến các em thì cũng sẽ tác động được đến cả gia đình các em, nhờ vậy sức ảnh hưởng sẽ nhân đôi. Vì vậy tôi nghĩ nuôi dưỡng quan hệ Nhật Việt thông qua sự giao lưu của trẻ em sẽ mang đến kết quả rất lớn trong tương lai.”

Hiện nay, Bình Dương đang có kế hoạch đưa môn tiếng Nhật vào chương trình giáo dục chính thức ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Các công ty Nhật Bản cũng hoạt động rất tích cực tại Bình Dương và tăng cường tuyển dụng nên nhu cầu học tiếng Nhật cũng ngày càng cao. Trinh vẫn có kế hoạch tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của giáo dục tiếng Nhật trong tỉnh.

Nguyễn Thị Tuyết Trinh đậu vào Chương trình bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếng Nhật tại tỉnh Bình Dương và nhập học khoa tiếng Nhật của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009. Sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu dạy tiếng Nhật cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Năm 2019, cô tham gia Chương trình đào tạo giáo viên tiếng Nhật của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và được đào tạo về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật. Sau khi về nước, cô thành lập “Trung tâm Nhật ngữ Yuki Sensei” và mở các lớp học về tiếng Nhật cũng như văn hóa, cách cư xử của người Nhật.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >