Nghiên cứu về chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ. Góp phần phát triển kinh tế Việt Nhật
Tiến sĩ Kinh tế
Nguyễn Kim Ngân
Nguyễn Kim Ngân sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có điều kiện kinh tế dư dả. Để “thoát nghèo”, cô dành toàn bộ tâm sức của mình cho việc học. Trở thành tiến sĩ kinh tế tại Nhật Bản, cô nỗ lực góp phần cải thiện chuỗi cung ứng của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho công tác chuyển giao công nghệ kĩ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, cô tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong vai trò Trưởng chi nhánh Sendai của tổ chức phi lợi nhuận BETOAJI.
Gặp Nhật Bản trên con đường kiên trì hiện thực hóa mơ ước
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Kim Ngân kể với chúng tôi về lý do cô gắn bó với Nhật Bản bằng một khuôn mặt rạng rỡ cùng tinh thần lạc quan.
“Suốt thời học tiểu học đến hết cấp ba, khi các bạn còn đang ngủ tôi đã giúp mẹ mang trái cây ra chợ từ bốn giờ sáng. Sau giờ học, từ năm giờ chiều tôi ngồi bán chuối, bán chôm chôm ở chợ nên áo quần lúc nào cũng lấm lem.”
Khi nhìn thấy những nhân viên ngân hàng ăn mặc đẹp tới mua trái cây, Ngân đã quyết tâm “trở thành nhân viên ngân hàng trong tương lai”. Cô quyết chí học tập rồi vào làm việc tại một ngân hàng sau khi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh.
“Mơ ước hồi còn nhỏ đã trở thành hiện thực nhưng tôi dần mất đi phương hướng sống của mình. Làm việc ở bộ phận tín dụng của ngân hàng, tôi rất muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về chuỗi cung ứng nhưng vì thiếu kiến thức, tôi chưa thể giúp gì được cho họ. Nhờ vậy, tôi đặt ra mục tiêu mới cho mình là phải trang bị thêm kiến thức về chuỗi cung ứng.”
Lúc này, Ngân biết tới môi trường giáo dục tốt của Nhật Bản qua lời kể của người anh đang làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản lớn. Cô bắt đầu tìm kiếm cơ hội du học Nhật Bản. Thất bại liên tiếp trong nhiều lần xin học bổng, Ngân nhớ tới câu nói “Kiên trì là sức mạnh” của Nhật và tiếp tục cố gắng thử thách mình. Cô nhập học Đại học Tohoku và giành được nhiều học bổng.
“Hiện nay, tôi vừa làm giảng viên tại khoa nghiên cứu kinh tế của trường đại học vừa nghiên cứu về chuỗi cung ứng. Tôi đang từng bước phấn đấu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.”
Ước mơ lớn thứ ba của Ngân là góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và chuyển giao kĩ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Sống tại Nhật, tôi muốn trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản. Để thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa hai nước, tôi đang chuẩn bị các buổi hội thảo dành cho doanh nghiệp Nhật về chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Sau này tôi muốn góp phần hiện thực hóa trung tâm chuyển giao công nghệ Nhật Việt.”
Vượt qua khó khăn nhờ lời động viên của giáo sư người Nhật
Công việc nghiên cứu tại Nhật Bản không hề đơn giản và dễ dàng. Nhờ sự hỗ trợ từ giáo sư người Nhật, cô đã vượt qua những khó khăn của mình.
“Khi tôi bị xuống tinh thần trong quá trình nghiên cứu hay thiếu niềm tin vào bản thân, Giáo sư Kawabata Nozomu đã luôn lắng nghe những suy nghĩ và mơ ước của tôi. Nhờ sự động viên cùng sự chỉ bảo tận tình của thầy, tôi đã vượt qua nhiều thời điểm khó khăn.”
Câu nói “Không làm thử thì sao biết được” của vị giáo sư người Nhật đã trở thành phương châm sống của Ngân.
“Thất bại không phải là không hoàn thành mục tiêu mà là dễ dàng bỏ cuộc khi chưa làm gì cả. Ngay cả một cô bé bán chuối ở vùng ngoại ô như tôi cũng có thể trở thành giảng viên trong trường đại học ở Nhật, vì thế, dù bạn có ước mơ thế nào chăng nữa, chỉ cần bạn nỗ lực và kiên trì, mơ ước đó chắc chắn có thể trở thành hiện thực.”
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản
Mong muốn phát triển giao lưu kinh tế Việt Nhật
Bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu, Ngân còn đang là Trưởng chi nhánh Sendai của BETOAJI, một tổ chức phi lợi nhuận do hội cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản thành lập.
“Tôi sống ở Sendai còn anh tôi ở Tokyo nên chúng tôi tôi hiếm có cơ hội gặp nhau. Hầu hết bạn bè tôi cũng đã về nước nên không tránh khỏi đổi lúc cảm thấy cô đơn. Tham gia BETOAJI đã giúp tôi kết nối được với nhiều người Việt Nam tại Nhật. Chúng tôi cùng nhau tổ chức các hoạt động để giới thiệu hương vị ẩm thực Việt Nam tới người Nhật. Thông qua việc tổ chức lớp nấu món Việt hay xuất bản sách về ẩm thực Việt Nam, chúng tôi muốn giới thiệu con người, cuộc sống, văn hóa và cả lịch sử Việt Nam.”
Ngân đang cố gắng trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua công việc nghiên cứu và hoạt động xã hội của mình. Cô cũng muốn gửi gắm mong ước về sự phát triển giao lưu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.
“Tôi xin gửi lời chúc mừng tới những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 50 năm qua. Hy vọng rằng trong tương lại, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ cống hiến được nhiều hơn cho kinh tế Nhật Bản, đồng thời doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa đầu tư vào Việt Nam.”
Năm 2014, cô học cao học tại khoa Nghiên cứu kinh tế học tại Đại học Tohoku và nhận nhiều học bổng, tài trợ nghiên cứu từ JASSO, Kobayashi Foundation, JT Asia Scholarship, học bổng Chính phủ MEXT. Năm 2020 cô lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Tohoku. Cô nằm trong danh sách “Nhà nghiên cứu nổi bật” của trường đại học này. Hiện nay, cô là giảng viên của khoa Nghiên cứu kinh tế, đồng thời là Trưởng chi nhánh Sendai của tổ chức phi lợi nhuận BETOAJI.
|