Tìm thấy ý nghĩa cuộc sống tại Việt Nam
Mong muốn mang đến niềm vui và hạnh phúc qua các nhân vật
CEO – Nhà sáng lập công ty TAGGER
Miyamoto Hiroshi
Miyamoto Hiroshi là nhà sáng lập công ty TAGGER chuyên quản lý tác quyền các nhân vật anime Nhật Bản tại Việt Nam, tiêu biểu là nhân vật Doraemon. Xuất phát từ ý định mang đến niềm vui cho người Việt Nam qua các tác phẩm, đến nay công ty anh đã trải qua 14 năm hình thành và phát triển. Những nhân vật anime Nhật Bản mà anh mang đến Việt Nam đã và đang chinh phục trái tim người Việt Nam từ trẻ em đến người lớn.
Yêu mến Việt Nam từ lần đầu tiên đặt chân đến
Xây dựng giá trị và quan niệm xã hội mới từ những nhân vật
Bố là cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, từ thời còn là học sinh Miyamoto đã chơi bóng chày dù bản thân không hề thích thú. Khi lớn lên, anh luôn trăn trở, tự hỏi bản thân “Mình là ai?”, “Miyamoto Hiroshi có thể làm được điều gì?”. Trong lúc mãi loay hoay tìm kiếm câu trả lời, anh có dịp đến Việt Nam thăm người quen. Vừa bước xuống sân bay, quang cảnh đầu tiên anh nhìn thấy là hàng dài những người thân đang chờ đón gia đình mình trở về.
“Nhìn những người trẻ căng tràn sức sống này, tôi nghĩ có lẽ sứ mệnh của mình là đến đây và mang lại niềm vui cho họ.”
Với niềm xúc động dâng tràn, anh đã yêu mến đất nước này ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến. Hai tháng sau, anh quay trở lại Việt Nam nhưng trong đầu vẫn chưa có kế hoạch làm gì và mang đến niềm vui như thế nào.
“Lúc bấy giờ chưa có nhiều người Nhật sinh sống tại Việt Nam, đối với người dân địa phương, Nhật Bản vẫn là một khái niệm xa vời. Thế nhưng khi biết tôi là người Nhật, mọi người đều reo lên ‘Honda’, ‘Ajinomoto’. Và một trong những từ khóa thường được mọi người nhắc đến chính là “Doraemon”. Tôi nhận ra mình có thể lan tỏa niềm vui đến nhiều người thông qua nhân vật hoạt hình này. Thế là tôi bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh này.”
Gói ghém tình cảm của mình vào từng sản phẩm nhân vật anime, thế nhưng con đường anh đi không hề dễ dàng. Lúc bấy giờ, nhận thức về quyền tác giả, đăng kí bản quyền tại Việt Nam chưa cao, sản phẩm đạo nhái tràn ngập thị trường. Anh dành nhiều thời gian để thăm các doanh nghiệp địa phương, thuyết phục họ rằng mỗi nhân vật đều có bản quyền, việc tôn trọng bản quyền thể hiện sự tôn trọng, quý mến đối với nhân vật, chỉ như vậy mới có thể lan tỏa niềm vui đến nhiều người, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp.
“Tôi đã gõ cửa hơn mấy trăm doanh nghiệp, nhưng chỉ khoảng 10% trong số họ chịu lắng nghe. May mắn thay, thời điểm đó phim hoạt hình Doraemon bắt đầu được phát sóng trên truyền hình. Dần dần tôi nhận được sự đồng cảm của nhiều doanh nghiệp lớn cả Việt Nam lẫn Nhật Bản.”
Các sản phẩm sử dụng hình ảnh nhân vật đều phát sinh phí bản quyền nên lẽ đương nhiên giá thành sẽ cao hơn. Thế nhưng những sản phẩm chính quy có chất lượng tốt, mẫu mã thiết kế bắt mắt đã nhanh chóng thu hút người tiêu dùng bao gồm văn phòng phẩm, quần áo, thực phẩm…
“Không phải chỉ cần sử dụng hình ảnh nhân vật thì sẽ bán được sản phẩm. Điều quan trọng là thông qua các nhân vật để xây dựng một xã hội tôn trọng tác quyền. Điều này đòi hỏi mất nhiều thời gian nhưng may mắn rằng càng ngày tôi càng nhận được nhiều sự đồng thuận từ doanh nghiệp.”
Cho đi không phải để lấy lại
Niềm tin được tìm thấy từ những điều nhỏ nhoi
“Mong muốn mang lại niềm vui cho người Việt Nam”. Suy nghĩ này của anh chịu nhiều ảnh hưởng từ người mẹ của mình. Khi còn nhỏ, anh là một đứa trẻ tinh nghịch và hay gây gổ với bạn bè. Thế nhưng khi bị ba mẹ bạn trách mắng, mẹ anh không chỉ xin lỗi mà còn cảm ơn họ vì đã giúp dạy dỗ anh. Từ hình ảnh ấy, anh học được rằng câu chuyện vui hay buồn đều do cách tiếp nhận của chính bản thân.
“Con người không thể tồn tại một cách đơn độc. Ai cũng cần sự hỗ trợ của những người xung quanh và phải luôn biết ơn vì được mọi người giúp đỡ. Vì vậy, tôi luôn mong muốn làm được điều gì đó tốt đẹp cho ai đó. Có lần, tôi đã nhận một được bức thư tay tại sự kiện.”
Chủ nhân bức thư là một cô bé nhỏ tuổi. Trong thư là dòng chữ:
“Hôm nay được gặp Doraemon con rất vui. Sau này con muốn trở thành Doraemon để phụ giúp mẹ và gia đình”
Khi nghe về lĩnh vực kinh doanh bản quyền, mọi người thường hình dung đến những con số khô khan như lượt view, tỉ suất người xem… để đánh giá tính năng, hiệu quả. Thế nhưng, các nhân vật anime lại mang một sức mạnh vô hình đối với fan. Các bé không chỉ mong muốn được “sở hữu” chú mèo máy thông minh mà còn muốn trở thành chú mèo đó. Hơn thế nữa, lý do là vì các bé muốn giúp đỡ gia đình. Những điều đó đã củng cố cho anh niềm tin “những việc mình làm cho đến nay thật đúng đắn”. Anh hi vọng rằng những suy nghĩ trong sáng đó sẽ trở thành những mắt xích đưa các em đến một tương lai xán lạn.
“Chúng tôi nhận được bức thư đó vào năm 2012 nhưng đến nay tất cả nhân viên vẫn mãi nhớ về nó. Nó như một báu vật để nhắc nhở chúng tôi về triết lý kinh doanh thuở ban đầu.”
Mang đến giá trị mới cho Việt Nam
Tạo dựng thương hiệu gắn liền với Việt Nam
Miyamoto đã mang đến Việt Nam nhiều nhân vật anime nổi tiếng như Doraemon, Once Piece, Thám tử lừng danh Conan… Anh hi vọng trong tương lai có thể sáng tạo ra những giá trị mới để Việt Nam có thể tự hào trước thế giới.
“Chúng tôi đã đưa vào sản xuất, kinh doanh nhiều vật phẩm đặc trưng của Việt Nam dựa trên mô tuýp của các nhân vật anime. Ngoài ra, chúng tôi cũng dự định sẽ sản xuất và cho ra đời nhiều nội dung, phim ảnh, âm nhạc “Made in Vietnam””
Anh hi vọng có thể tạo ra một thương hiệu gắn liền với Việt Nam như thương hiệu Doraemon mọi người đã từng gán cho Nhật Bản trước đây. Để làm được điều đó, anh cho rằng không thể thiếu sự hỗ trợ kĩ thuật, công nghệ từ Nhật Bản.
“Hiện nay đã có nhiều người Việt Nam cùng tham gia vào đội ngũ chế tác anime. Đáng tiếc rằng phần lớn công việc chỉ dừng lại ở một số công đoạn đơn giản như vẽ bối cảnh nền. Tôi hi vọng sắp tới sẽ có nhiều workshop mời các chuyên gia từ trường đào tạo anime tại Nhật sang để trao đổi, giao lưu cùng các tác giả truyện tranh, tác giả phim hoạt hình tại Việt Nam.”
Tay nghề của đội ngũ chế tác Việt Nam được nâng cao sẽ hỗ trợ cho các tác phẩm Nhật Bản, đồng thời cũng có thể sáng tác ra những tác phẩm riêng của Việt Nam. Anh hi vọng Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là căn cứ chế tác trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Bản, đôi bên cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Mặc dù Nhật Bản cũng có lợi nhưng anh khẳng định “Tất cả những hoạt động này nếu không xuất phát từ Việt Nam, vì Việt Nam thì sẽ không còn ý nghĩa nữa”. Điều đó càng minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của anh dành cho dải đất hình chữ S này.
Sinh năm 1981 tại tỉnh Hyogo. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc tại công ty sản xuất đồ chơi. Sau chuyến du lịch đến Việt Nam vào tháng 1 năm 2009, anh nhận ra mình đã yêu mến đất nước này và quyết định quay trở lại vào tháng 3 cùng năm. Ban đầu anh kinh doanh bản quyền nhân vật, chủ yếu là Doraemon. Đến năm 2013, ngoài mảng kinh doanh tác quyền, anh thành lập công ty TAGGER để sản xuất và kinh doanh các vật phẩm liên quan đến nhân vật, sản xuất phim, chương trình truyền hình… |