Japan Embassy

Header

Vận dụng kiến thức đã học tại Nhật Bản,
đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và Nhật Bản

Lê Quang Huy
Tiến sĩ Công nghệ Hóa học / Giám đốc dự án tại Sika Vietnam

Lê Quang Huy

Có mẹ là Giảng viên dạy tiếng Nhật, ngay từ khi còn nhỏ, anh Lê Quang Huy đã được tiếp xúc với tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản. Sau khi du học ở Anh, anh trở thành Tiến sĩ ngành Công nghệ Hóa học tại Nhật rồi quay về Việt Nam. Những kiến thức trong công việc và vốn sống mà anh Huy tích lũy được tại Nhật đóng vai trò nhất định cho sự trưởng thành của anh trong hiện tại.

Người mẹ dạy tiếng Nhật
đã “kết duyên” cho tôi và Nhật Bản

Mẹ anh Huy từng tham gia giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản tại Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bởi lẽ đó, mẹ từng đưa anh tới Nhật Bản hai lần, một lần năm anh sáu tuổi và một lần khi anh tám tuổi. Từ đây, anh Huy đã bén duyên với nước Nhật.

“Cái duyên với Nhật Bản đến với tôi rất tự nhiên. Trước đây nhiều học sinh người Nhật của mẹ tới ở nhà tôi theo dạng homestay, vì thế người Nhật và văn hóa Nhật Bản rất gần gũi với tôi.”

Từ năm 17 tuổi anh Huy đã rời Việt Nam để tới Anh du học và tốt nghiệp cao học tại đây. Muốn thu hẹp khoảng cách địa lý giữa mình và gia đình, đồng thời tích lũy thêm kiến thức chuyên môn, anh quyết định theo học Tiến sĩ tại Nhật Bản – đất nước mà anh đã có duyên từ trước đó. Nhận Học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản, năm 2015 anh nhập học tại Đại học Công nghệ Tokyo để lấy bằng Tiến sĩ. Ngay lập tức anh đã hòa nhập với cuộc sống tại Nhật Bản.

“Từ Anh về Nhật, tôi đã rất vui vì được gặp lại văn hóa Á Đông. Ngoài ra, cuộc sống tại Nhật rất tiện lợi và thoải mái. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với nhiều văn hóa truyền thống của Nhật Bản vẫn còn lại tới ngày nay. 6 năm theo học và làm việc tại Nhật Bản đã khiến những thói quen, nếp sống của Nhật Bản trở thành một phần của tôi.”

Do Covid-19, năm 2021 anh trở về Việt Nam. Hiện nay anh đang là Giám đốc dự án của một công ty Thụy Sĩ tại Việt Nam.

“Ở công ty, tôi vẫn hay quen dùng từ cảm ơn như hồi còn ở Nhật. Vì thế có lần cấp trên người Âu của tôi đã nhận xét tôi ‘Giống người Nhật nhỉ’ (Cười)”

Cái duyên với nước Nhật của anh Huy còn kết thêm cho anh những mối duyên tốt khác. Anh gặp vợ mình khi chị đang du học tại Nhật, hai người đã kết hôn sau khi trở về Việt Nam.

Tính kỉ luật của Nhật Bản
là điều vô cùng cần thiết với nhà nghiên cứu

Trường đại học ở Nhật mang đến một môi trường nghiên cứu tiêu chuẩn cao. Trong môi trường đòi hỏi sự chính xác và chú tâm tới từng tiểu tiết đó, anh Huy đã trang bị thêm cho mình tính kỉ luật.

“Trong nghiên cứu học thuật, tính chính xác vô cùng quan trọng. Ở trường đại học của Nhật, tôi đã học được rất nhiều về quản lý dự án. Người Nhật coi trọng quy tắc và quy trình, trong nghiên cứu nói riêng và tất cả mọi việc nói chung. Nếu có thể tuân thủ quy định nghiêm ngặt và quy trình chuẩn xác mà người Nhật xây dựng thì chúng ta sẽ đạt được những kết quả chính xác trong nghiên cứu”

Ở Nhật, anh Huy từng làm thí nghiệm mô phỏng hệ thống xử lý nước thải sử dụng khí CO2 tại phòng thí nghiệm. Anh vừa phải lên kết hoạch chi tiết về các loại hóa chất, máy móc vừa phải chuẩn bị phương án ứng phó khi có sự cố an toàn cháy nổ, tìm hiểu cách sơ cứu khi bị ngộ độc hóa chất….

“Thêm vào đó, khi việc chuẩn bị cho thí nghiệm hoàn tất, tôi phải tự mình lắp đặt và kiểm tra máy móc. Một mình tôi thực hiện tất cả các công việc, từ quan sát hệ thống, đo đạc, ghi chép dữ liệu đến phân tích kết quả.v.v… nên thí nghiệm có thể kéo dài từ mười đến mười tám tiếng đồng hồ. Với những kinh nghiệm như vậy, tôi đã rèn luyện được khả năng tập trung cùng kĩ năng chuẩn bị tỉ mỉ, kĩ càng”

“Bây giờ, tôi sẵn sàng thử thách mình với bất cứ dự án nào” – Anh Huy nói. Những kiến thức và kinh nghiệm thu được tại Nhật Bản có vai trò nhất định sự nghiệp của anh sau này.

Trong những lần tham gia phỏng vấn của báo giới Việt Nam, anh Huy cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm du học Nhật Bản với các bạn trẻ Việt Nam.

“Trải qua mười hai năm du học tại Anh và Nhật, sự tự do của phương Tây và tính kỉ luật của phương Đông đã trở thành hai điều cốt lỗi quan trọng của tôi. Tôi rất cảm kích trước hai đất nước đã cho tôi  nhiều kinh nghiệm quý báu. Bên cạnh đó, cá nhân tôi cũng đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tiến vào thị trường Việt Nam, đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản cho doanh nghiệp Việt Nam.”

Hy vọng Nhật Bản sẽ truyền đạt kiến thức cho Việt Nam
Chúc cho mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển

Anh Huy hy vọng quan hệ lâu đời và hòa hảo giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày một phát triển.

“Hơn 100 năm trước cụ Phan Bội Châu đã gửi người Việt Nam sang Nhật Bản du học. Với mối quan hệ lâu dài như vậy, Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng.”

Anh Huy cho rằng tốc độ phát triển của Việt Nam hiện nay tương đương với tốc độ phát triển của Nhật Bản trong những năm 1970. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển của cả hai nước.

“Việt Nam đang trải qua những điều mà Nhật Bản đã trải qua vào những năm 1970. Kinh nghiệm, kiến thức mà Nhật Bản có được chắc chắn sẽ hữu ích với Việt Nam. Tôi cho rằng sẽ rất tuyệt vời nếu Nhật Bản chia sẻ với Việt Nam được những kiến thức đó. Ví dụ tiêu biểu là việc tăng cường chuyển giao công nghệ kĩ thuật giữa hai nước. Tôi cũng tin rằng nguồn nhân lực trẻ và tài năng của Việt Nam nhất định có thể đóng góp cho nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai.”

Sau khi tốt nghiệp Imperial College London tại Anh, năm 2015 anh Huy nhận học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản rồi theo học Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Tokyo và lấy bằng Tiến sĩ về Công nghệ Hóa học vào năm 2019. Tại Nhật anh từng làm việc cho BASF – Một công ty hóa học của Đức. Hiện nay, anh đang làm việc cho công ty vật liệu xây dựng Thụy Sĩ Sika Vietnam sau khi từ Nhật về Việt Nam vào năm 2021. 

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >