Japan Embassy

Header

Du học Nhật Bản là may mắn của cuộc đời
Muốn báo đáp những gì mình đã được giúp đỡ

Lê Duy Tân
Tiến sĩ Khoa học Thông tin, Giảng viên tại Trường Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia T.p. Hồ Chí Minh

Lê Duy Tân

Đến Nhật chính là một “cơ duyên”. Anh Lê Duy Tân, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực AIoT tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia T.p. Hồ Chí Minh, chia sẻ rằng anh có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người Nhật khi du học tại Nhật Bản. Hiện tại khi quay về Việt Nam, anh vô cùng mong muốn được trở thành cầu nối giữa hai nước thông qua lĩnh vực chuyên môn của mình.

“Tôi được Nhật Bản chọn”, thế nhưng
Tiếng Nhật là một rào cản lớn

Từ nhỏ, Tân đã quen thuộc với truyện tranh và phim hoạt hình như “Doraemon” hay “Pokémon” và cũng biết về Nhật Bản qua những chiếc xe máy và đồ gia dụng cực kỳ bền “Made in Japan”. Anh bắt đầu học tiếng Nhật vì được một câu lạc bộ tiếng Nhật “rủ rê” khi học đại học năm thứ ba.

“Mình học không vì mục đích gì nên cũng không chăm chỉ lắm, vậy nên học suốt một năm trời mà không tiến bộ được gì.” (cười)

Khi Tân học năm cuối đại học, anh đã nhìn thấy bài đăng của một đàn anh trên mạng xã hội và tiến bước đầu tiên vào con đường du học Nhật Bản. Anh đã đăng ký học bổng thạc sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST).

“Vì mình có quan niệm “Vạn sự khởi đầu nan” nên thực ra lúc đó mình đã nghĩ hơi bi quan rằng đăng ký học bổng mà không đỗ là tất nhiên thôi”

Dù rớt đi nữa cũng là chuyện thường. Trong tâm thế đó, anh đã tham gia phỏng vấn mà không hề căng thẳng, và sau đó nhận được thông báo đỗ.
“Nhật Bản đã chọn mình”

Cứ như thế Tân đến Nhật, và điều đầu tiên anh gặp khó khăn chính là tiếng Nhật. Các sinh viên nhận học bổng lẽ ra sẽ đến Sân bay Komatsu ở Ishikawa, gần JAIST, nhưng do một số vấn đề nên họ đã phải đến Sân bay Quốc tế Chubu Centrair (sân bay Nagoya) ở Aichi. Từ sân bay, khi họ đến trung tâm Nagoya bằng xe điện thì đã là nửa đêm. Lúc đó, các anh mang theo hành lý nặng, không quen với làn gió lạnh buốt cuối đông của Nhật Bản, và hơn hết là không biết tiếng Nhật. Họ đã rất cố gắng tìm một nơi để trú thân nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối bằng câu “No English”.

“Đó chính là khoảnh khắc mà mình quyết tâm rằng phải học tiếng Nhật đàng hoàng.”
Vào đêm ấy, một người Brazil tốt bụng biết tiếng Anh đã dẫn họ đến một quán cà phê internet.

Cố gắng nỗ lực làm quen với Nhật Bản
Thì sẽ được nhiều người giúp đỡ 

Với quyết tâm học tiếng Nhật, ngoài việc học tiếng Nhật tại JAIST, anh Tân còn tham gia các lớp do tình nguyện viên người Nhật dạy. Hơn nữa, để luyện giao tiếp, anh đã làm thêm tại một nhà hàng sushi băng chuyền.

“Dù tiếng Nhật không tốt lắm, nhưng vì mình làm được việc nên những người xung quanh đối xử với mình rất tốt.”

Lúc đầu, anh chỉ làm việc trong bếp, nhưng khi tiếng Nhật tiến bộ hơn, anh còn đảm nhận công việc phục vụ khách tại bàn.

“Mình bắt đầu nói chuyện được với những người Nhật sống xung quanh. Người dân tỉnh Ishikawa – nơi mình đang sống lúc đó – rất quý mến người Việt Nam và đối xử với mình rất tốt. Có hai vợ chồng có con đi làm xa thường rủ mình đến nhà ăn cơm, và bảo mình gọi họ là “cha”,“mẹ”.

Không chỉ trong cuộc sống riêng mà trong việc nghiên cứu, Tân cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Lĩnh vực nghiên cứu của Tân là AIoT, kết hợp AI (trí tuệ nhân tạo) và Internet vạn vật (IoT). Thông qua việc vận dụng tính năng học tập của AI vào máy móc và thiết bị AIoT, nghiên cứu của anh tập trung xây dựng và phát triển các hệ thống AIoT ví dụ như hệ thống nhận dạng đeo khẩu trang.

Giáo sư người Nhật hướng dẫn Tân trong khóa học thạc sĩ là một tên tuổi lớn và rất bận rộn, cứ hai tuần một lần, ông lại nhiệt tình hướng dẫn cho anh, chỉ ra những điểm cần cải thiện trong nội dung nghiên cứu hay điều chỉnh hướng nghiên cứu cho phù hợp. Trong quá trình học tiến sĩ, một giáo sư nước ngoài sống ở Nhật lâu năm đã luôn theo dõi và hỗ trợ anh từng chút một, thậm chí giúp sửa lỗi chính tả trong bài nghiên cứu của anh.
“Mình đã rất may mắn. Mình sống ở Nhật Bản với lòng tốt của mọi người xung quanh.”

Vì báo đáp ân tình của Nhật Bản
Cống hiến để mối giao lưu Việt Nhật phát triển hơn

“Có những lúc mình chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi ngày. Nhờ những vất vả đó mà mình có được sự kiên nhẫn cao và chịu đựng được áp lực. Sức mạnh tinh thần mà mình gặt hái được từ những kinh nghiệm đó đã giúp mình được đánh giá cao trong công việc hiện tại ở trường đại học. Từ cuộc sống cho đến học tập, Nhật Bản thực sự đã cho mình rất nhiều thứ.”

Vì nghĩ rằng bản thân “nợ Nhật Bản nhiều điều”, Tân luôn muốn trở thành cầu nối giữa hai nước. Trong hai năm kể từ khi trở về Việt Nam, anh đã hỗ trợ cho hai sinh viên Việt Nam du học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản với học bổng 100%.

“Mình mong rằng Việt Nam và Nhật Bản sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cấp cao nhất. Mình hy vọng rằng không chỉ số người Việt Nam đến Nhật tăng lên mà cũng sẽ có nhiều người Nhật hơn nữa đến Việt Nam giao lưu, học tập và làm việc. Thông qua việc qua lại như vậy, hai nước sẽ thấu hiểu lẫn nhau nhiều hơn. Mình mong Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục là những người bạn tốt của nhau.”

 Năm 2016, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
Anh tốt nghiệp Thạc sĩ (Khoa học thông tin) tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) vào năm 2018 và Tiến
sĩ (Khoa học Thông tin) cũng tại JAIST vào năm 2021.
Hiện đang làm việc với tư cách là giảng viên tại Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, nghiên cứu về xây
dựng và phát triển hệ thống AIoT.

 

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >