Japan Embassy

Header

Trò chuyện cùng doanh nhân có mối liên hệ sâu sắc với Nhật Bản trên 20 năm

Yamakawa Do Phu Son
Nhà sáng lập Tập đoàn HSC Investment

Yamakawa Do Phu Son

Doanh nhân mang quốc tịch Nhật Bản Yamakawa Đỗ Phú Sơn được biết tới là người anh lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Tính đến nay, anh Sơn đã dành non nửa cuộc đời của mình ở Nhật. Có thể nói, chính nước Nhật đã định hình nên cuộc đời và sự nghiệp của anh. Chúng tôi đã được nghe anh Sơn kể về cái duyên của anh với nước Nhật.

Theo dòng thời cuộc
cùng những trải nghiệm quý tại Nhật Bản 

Vào cuối những năm 1990, Việt Nam đang bước vào giai đoạn thúc đẩy các hoạt động giao lưu quốc tế nhưng nguồn nhân lực sử dụng tiếng Nhật chưa lớn. “Biết tiếng Nhật, chắc chắn sẽ tìm được công việc tốt” – Với suy nghĩ đó, anh Sơn nhập học Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1998 và chọn tiếng Nhật làm môn ngoại ngữ của mình.

“Tôi rất tò mò về nước Nhật nên ngay lập tức có thể nhớ được tiếng Nhật, sự yêu thích với văn hóa Nhật Bản cũng từ đó mà hình thành rất tự nhiên.”

Vào năm 2002, theo chương trình giao lưu văn hóa giữa Đại học Ngoại thương Hà Nội và Đại học Quốc tế Osaka, anh Sơn tới Nhật du học nửa năm.

“Khi đặt chân tới sân bay Osaka, tôi nhận ra rằng nước Nhật mà tôi từng chỉ biết qua sách vở đã trở thành hiện thực của mình. Tôi sống cùng một gia đình người Nhật ở Osaka, đó là những người mang tính cách tự do phóng khoáng nên chia sẻ nhiều điểm tương đồng với người Việt. Đặc biệt, gia đình host của tôi có tới năm người con, không khí gia đình không quá khác biệt với không khí đại gia đình người Việt nên tôi nhanh chóng thích nghi và hòa nhập. (Cười)”

Người bố trong gia đình host của anh Sơn là một huấn luyện viên sumo tại địa phương. Vì vậy anh đã tham gia lớp sumo, được học cách thắt đai lưng của võ sĩ cùng luật thi đấu cơ bản của môn võ này, đồng thời anh còn có cơ hội tham gia thi đấu. Cuộc sống tại Nhật Bản của anh trở nên rất trọn vẹn và thời gian du học nửa năm đi đến hồi kết lúc nào không hay. Sau khi trở về Việt Nam, anh Sơn mang theo mong muốn mạnh mẽ “trở lại Nhật Bản”, anh bắt đầu tìm học bổng, tìm việc làm tại Nhật Bản.

“Đúng lúc đó, tôi vô tình nhìn thấy thông báo tuyển thành viên cho Dự án Hợp tác đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than của Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA. Thành viên dự án sẽ làm việc tại Nhật – Nội dung này vừa khít với nguyện vọng của bản thân nên tôi đã ứng tuyển. Sau khi được tuyển dụng, tôi bắt đầu làm việc tại Nhật từ năm 2004.”

Anh Sơn đảm nhiệm vai trò phiên dịch viên hỗ trợ các kĩ sư người Việt được phái cử sang Nhật nhận chuyển giao công nghệ sản xuất than đá.

“Để truyền đạt kiến thức chuẩn xác nhất tới cho anh chị em người Việt, tôi phải là người hiểu rõ nhất các kiến thức mà chuyên gia người Nhật muốn chuyển giao. Ngoài có thêm được cho mình những kiến thức kĩ thuật hay, tôi còn có những trải nghiệm vô cùng quý giá như thực hành lái máy đào đường hầm 17 tấn hay thăm xưởng khai thác than đá nằm sâu 300m dưới đáy biển ở Hokkaido. Được làm thành viên của dự án là một vinh dự rất lớn đối với tôi.”

Nhanh chóng nắm bắt thời cơ
Vận dụng kinh nghiệm để khởi nghiệp

Sau hai năm làm việc cho dự án kể trên, anh Sơn muốn ứng dụng kiến thức chuyên môn về ngoại thương của mình nên đã gia nhập một công ty bán lẻ lớn của Nhật Bản. Sau bảy năm làm việc tại đây, anh có rất nhiều kinh nghiệm, từ vận hành siêu thị tới mở chi nhánh mới hay xuất nhập khẩu hàng hóa.v.v… Cũng nhờ vậy, anh đã tìm thấy cơ hội kinh doanh cho mình.

“Khi đó công ty của tôi vận hành một chuỗi siêu thị, tôi phụ trách nhập khẩu hàng hóa từ các nước Đông Nam Á. Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để đưa cà phê hòa tan, mì tôm cùng các sản phẩm khác của Việt Nam lên kệ siêu thị Nhật. Cái khó ở đây là nhiều nguyên liệu trong hàng Việt Nam chưa đáp ứng được quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật. Mặt khác, tôi nhận thấy hàng Nhật tại thị trường Việt Nam lúc đó ít và không đa dạng. Nhận ra đây là cơ hội cho mình, tôi cùng một số người bạn Việt Nam quen biết tại Nhật lập công ty ngoại thương ngay ở Nhật.”

Để mang hàng Việt Nam tới Nhật, anh Sơn đã trực tiếp về Việt Nam gặp các doanh nghiệp, đề xuất việc cải tiến máy móc, quy trình sản xuất và thậm chí là thay đổi nguyên liệu sản xuất. Cải thiện chất lượng sản phẩm đòi hỏi rất nhiều thời gian nên không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đồng ý với các đề xuất của anh. Không dễ dàng từ bỏ, để hàng Việt đáp ứng được tiêu chuẩn Nhật Bản, anh Sơn mời các chuyên gia người Nhật về các xưởng sản xuất để chuyển giao công nghệ. Sự nỗ lực của anh cùng các cộng sự gặt hái được nhiều kết quả, họ đã đưa công ty phát triển thuận lợi, tới nay, tập đoàn mà anh Sơn là một trong những nhà sáng lập đang sở hữu một công ty ngoại thương tại Nhật và ba công ty ngoại thương ở Việt Nam.

Mong muốn lan tỏa văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản
Hy vọng về một môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam

Anh Sơn không chỉ suy nghĩ về giao lưu kinh tế Nhật Bản và Việt Nam mà còn có mong muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản.

“Năm 2020, tôi trở thành hội trưởng đầu tiên của Hội người Việt tại Fukuoka. Để lan tỏa văn hóa Việt, công ty chúng tôi phối hợp với Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka tổ chức sự kiện thường niên ‘Tết Việt Nam’ tại thành phố Fukuoka và coi đó như hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội.”

Về phương diện kinh doanh, anh Sơn hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào thị trường Việt Nam. Anh hy vọng sẽ có một môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.
“Là người Việt, khi đầu tư trở lại Việt Nam, chúng tôi hiểu rõ cách thức cùng cơ chế, chính sách của nước nhà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật vừa và nhỏ khác hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản về ngôn ngữ và chính sách, họ cũng gặp không ít khó khăn khi có mong muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt. Vì thế tôi mong Việt Nam sẽ tạo ra nhiều chính sách cởi mở hơn, hy vọng Việt Nam sẽ mang đến một môi trường đầu tư thân thiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhật Bản vừa và nhỏ.”

Anh Sơn bắt đầu học tiếng Nhật sau khi trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội vào năm 1998. Năm 2002, anh du học tại Đại học Quốc tế Osaka. Năm 2004, anh là phiên dịch viên – thành viên của một dự án được vận hành bởi Trung tâm quản lý án toàn khí mỏ than trực thuộc Cơ quan hợp tác Quốc tế JICA. Sau đó, anh làm việc bảy năm tại một tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản rồi vận dụng kinh nghiệm tích lũy được để khởi nghiệp. Hiện nay anh là Chủ tịch Tập đoàn HSC Investment Corp, đồng thời nắm giữ vai trò CEO của Công ty HSC Japan.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >