Japan Embassy

Header

Những kĩ thuật truyền thống được đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ
Lan tỏa niềm đam mê đối với sản phẩm thủ công Việt Nam sang Nhật Bản

Takemori Mika
Nhà sáng lập công ty ASIA KOUGEI SHA VIETNAM Co., Ltd.

Takemori Mika

Takemori Mika là nhà sáng lập công ty Asia Kougei Sha Việt Nam chuyên phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thời trang, phụ kiện thủ công truyền thống của Việt Nam. Với niềm yêu thích lớn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc, cô đã và đang không ngừng lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến Nhật Bản thông qua các sản phẩm thời trang thương hiệu “ante”. “Những người bạn tại Việt Nam đã mang đến cho tôi nguồn năng lượng tích cực” – Takemori mở đầu câu chuyện khi chia sẻ suy nghĩ của cô về Việt Nam.

Sản phẩm dệt may chất chứa mong ước của đồng bào thiểu số 
Hành trình từ đam mê đến thương hiệu riêng

Takemori lần đầu biết đến Việt Nam vào năm 2010, khi cô được phái cử đến Hà Nội làm việc theo chương trình Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để hỗ trợ xử lý các vấn đề rác thải. Sau đó cô tham gia vào dự án phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống của vùng Tây Bắc Việt Nam. Càng tìm hiểu, cô càng bị cuốn hút bởi cuộc sống, văn hóa và trang phục truyền thống đầy sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số đều trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, tôi rất thích kĩ thuật nhuộm bằng sáp ong của người H’Mong đen, cách họ se lanh thành chỉ, dệt thành vải rồi vẽ lên đó những họa tiết cầu kì, tinh tế. Họ thật sự là những nghệ nhân tuyệt vời!”

Sản phẩm dệt của người dân tộc thiểu số hiện nay phần lớn được bán dưới dạng quà lưu niệm. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước đây nó vốn được dùng để may trang phục cho người dân tộc mặc hàng ngày và mỗi hoa văn đều mang một ý nghĩa riêng, như xua đuổi tà ma chẳng hạn. Khi biết rằng trong mỗi sản phẩm, mỗi hoa văn làm ra đều gói ghém mong ước bảo vệ người thân, gia đình khỏi khó những khăn, hiểm nguy do điều kiện sống khắc nghiệt của người đồng bào vùng cao, Takemori đã rất xúc động. Với mong muốn gìn giữ và lan truyền các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc này, cô đã thành lập công ty Asia Kougei Sha Việt Nam nhằm phát triển những sản phẩm quà lưu niệm độc đáo.

“Một trong những điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là khách có thể đặt hàng theo yêu cầu, bất kể là sản phẩm thời trang hay giày dép. Bản thân tôi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng  nhờ có sự tư vấn của các nghệ nhân vẽ hoa văn, dệt may, tôi có thể mày mò tự phát triển các sản phẩm riêng. Những khiếm khuyết của tôi được bù đắp bằng sự hỗ trợ của những người bạn Việt Nam và từ đó hình thành nên thương hiệu ‘ante’.”

Những sản phẩm thời trang ‘ante’ sử dụng các chất liệu thiên nhiên, vải lanh, sản phẩm dệt truyền thống của dân tộc thiểu số và được bán chủ yếu tại Nhật Bản. Phom dáng được thiết kế rộng rãi, thoải mái theo thị hiếu của người Nhật. Do đi ngược với thị hiếu người Việt Nam nên cô gặp không ít khó khăn để thuyết phục các nghệ nhân cùng làm việc.

“Trước đây các bạn thường tùy ý thay đổi kích thước, kiểu dáng vì nghĩ rằng như vậy sẽ đẹp hơn. Sau nhiều lần giải thích, giờ đây các bạn đã chịu may theo đúng kích thước đưa ra. Thú vị là, những sản phẩm chúng tôi làm ra lại được con gái thuộc thế hệ Gen-Z của những nghệ nhân ấy khen dễ thương. Tôi hy vọng sắp tới những sản phẩm của mình sẽ tiếp cận được thêm đến các bạn trẻ Việt Nam.”

Năng lượng tích cực của người dân Việt Nam
mang đến cho tôi sức sống và nguồn cảm hứng mới

Tham gia Chương trình Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại, khởi nghiệp, xuất bản sách… nghe qua ai cũng nghĩ rằng Takemori thuộc tuýp người năng động. Thế nhưng thực ra cô lại rất dễ lo lắng, căng thẳng, dễ chùn bước mỗi khi đối mặt với rủi ro, thách thức. Để làm được những điều trên, chính Việt Nam đã làm cho cô thay đổi.

“Người Việt Nam luôn suy nghĩ tích cực và tràn đầy năng lượng. Những hình ảnh ấy đã dần thay đổi cách suy nghĩ của tôi, dần khiến tôi có thể nghĩ theo hướng tích cực ‘Sẽ không sao, mọi việc rồi sẽ ổn’ và bớt đắn đo cả trong công việc lẫn cuộc sống.”

Cách nghĩ phóng khoáng ấy cũng được thể hiện trong thời trang, mọi người có thể mặc trang phục màu hồng, đỏ, hoa văn sắc màu theo ý thích, bất kể tuổi tác. Họ trân trọng bản thân và sống thật với sở thích của mình. Đó là điều cô rất ngưỡng mộ.

“Nếu như ở Nhật mọi người thường chọn những gam màu an toàn như đen, xám thì ở Việt Nam lại khác. Mọi người mặc màu áo mình thích, sống theo kiểu mình muốn. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại được tiếp thêm sức sống từ những người bạn Việt Nam và mong muốn được sống như các bạn.”

Gìn giữ giá trị văn hóa và kĩ thuật truyền thống cho tương lai
Tìm thấy những nét đẹp văn hóa mới thông qua giao lưu

Vì quá yêu thích công việc thủ công nên Takemori đã khởi nghiệp ở lĩnh vực này, nhưng song song đó cô cũng cảm nhận rõ những nguy cơ mà các dân tộc thiểu số đang đối mặt trước tốc độ công nghiệp hóa.

“Công nghiệp phát triển đã làm giảm đi không ít nhu cầu đối với các sản phẩm thủ công. Bên cạnh đó, nghề thủ công cũng đứng trước nguy cơ thất truyền do các thế hệ trẻ dịch chuyển đến làm việc ở thành phố lớn. Tôi e rằng những làng nghề truyền thống này sẽ dần biến mất sau vài chục năm nữa.”

Vì vậy, mục tiêu trước mắt của Takemori là thành lập tổ chức phi lợi nhuận (NGO) tại Nhật để bảo tồn những giá trị văn hóa, kĩ thuật này. Cô đang cùng những người bạn cùng chí hướng hệ thống hóa các ngành nghề thủ công, đồng thời hỗ trợ nâng cao đời sống của người dân. Cô cũng hy vọng thông qua du lịch, giao lưu, người dân hai nước sẽ hiểu nhiều về văn hóa của nhau.

“Có thể ban đầu bạn chỉ quan tâm đến ẩm thực, các sản phẩm lưu niệm. Thế nhưng điều tuyệt vời nhất của Việt Nam chính là con người. Tôi hi vọng các bạn sẽ có thật nhiều kỷ niệm đẹp giao lưu cùng người dân Việt Nam khi du lịch đến đây, đó có thể là cô chủ hàng phở hoặc nhân viên bán quà lưu niệm, anh hướng dẫn viên… Thông qua các cuộc giao lưu trò chuyện đó, các bạn sẽ biết thêm nhiều về văn hóa, con người và những nét đẹp khác của Việt Nam.”

Thương hiệu “ante” do công ty cô phát triển được đặt theo tiếng latin của từ “antique”, mang ý nghĩa trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác của Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia châu Á (Asia). Công ty Asia Kougei Sha của cô được thành lập với mong muốn thông qua các sản phẩm thủ công để thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt – Nhật.

Sinh năm 1985 tại tỉnh Saitama. Năm 2010 cô đến Hà Nội làm việc theo chương trình Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản của JICA. Sau đó cô quay trở lại Việt Nam vào năm 2014 để mở quán cà phê. Năm 2018 cô thành lập công ty Asia Kougei Sha Việt Nam chuyên kinh doanh các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 6 năm 2023, cô xuất bản cuốn sách giới thiệu về ẩm thực và du lịch Hà Nội.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >