Japan Embassy

Header

Được đồng hành với những nhân viên cần cù, khéo léo
Mong ước nâng cao vị thế của nghề làm đẹp

Sakashita Masaki
Nhà tạo mẫu tóc - Chủ Hair salon Tetote

Sakashita Masaki

Từ bỏ công việc ổn định tại Nhật, anh Sakashita Masaki sang Việt Nam và mở ra salon tóc tại Hà Nội với mong muốn mang đến chất lượng dịch vụ và kĩ thuật chuẩn Nhật Bản cho mọi người. Tên tiệm Tetote (tay nắm tay) được anh đặt ra với mong muốn “truyền đạt – lắng nghe – thấu hiểu lẫn nhau”. Đến nay, tiệm không chỉ đón khách hàng Nhật mà còn được đông đảo khách hàng Việt Nam tin yêu, lựa chọn.

Tin vào vận mệnh,
chàng trai tay trắng khởi nghiệp tại Hà Nội với nhân viên là chỗ dựa vững chắc

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực tạo mẫu tóc, từ nhỏ Sakashita đã được làm quen với công việc này. Tiếp bước bố mẹ, anh theo học trường đào tạo nghề tạo mẫu tóc. Tuy nhiên, trong thời gian đó anh tìm thấy đam mê với bộ môn breakdance nên sau khi tốt nghiệp anh vừa làm các công việc bán thời gian vừa tham gia thi đấu tại các giải trong và ngoài nước.

“Đặc biệt, các giải đấu nước ngoài đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng. Mặc dù phải dừng hoạt động do chấn thương và quay lại công việc tạo mẫu tóc nhưng tôi vẫn luôn mong muốn có cơ hội ra nước ngoài. Nếu phải mở một salon riêng cho mình, tôi nghĩ chắc chắn đó sẽ không phải ở Nhật.”

Và, cơ hội đã tìm đến anh vào khoảng năm 2009.

“Vợ tôi vốn rất yêu thích Việt Nam nên đã gợi ý tôi mở một salon tóc ở Hà Nội vì nghe nói ở đó chưa có nhiều nhà tạo mẫu tóc Nhật Bản. Tuy nhiên, thời điểm này tôi mới chỉ là một nhân viên bình thường nên đã bắt đầu tích lũy kinh nghiệm quản lý, cách vận hành salon… Đến năm 2014, cuối cùng tôi đã chuyển đến Việt Nam.”

Từ bỏ công việc, anh cùng gia đình chuyển đến một đất nước xa lạ và khởi nghiệp. Đến giờ nghĩ lại anh vẫn không tin mình có thể liều lĩnh đến vậy. Chưa từng đến Việt Nam, chưa biết gì về đất nước này cũng không quen biết một ai, thế nhưng anh vẫn muốn chăm chút thật kĩ lưỡng cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình. Vì vậy tiệm được mở ra chỉ với 7 ghế ban đầu cùng không gian hiện đại chuẩn Nhật Bản. Thời gian đầu, mặc dù được nhiều khách hàng Nhật đánh giá cao nhưng tiệm vẫn chưa được nhiều khách Việt Nam biết đến. Cứ nghĩ nguyên nhân do giá dịch vụ quá cao nên anh đã có chương trình giảm giá dành riêng cho khách Việt.

“Điều bất ngờ là mặc dù khách mới có tăng nhưng lượng khách cũ cũng giảm đi đáng kể. Khi đó tôi được các nhân viên Việt Nam khuyên rằng ở Việt Nam giá dịch vụ sẽ đi đôi với đối tượng khách hàng. Đối với một salon chất lượng, kĩ thuật cao, không gian hiện đại nhưng lại giảm giá quá thấp sẽ khiến những đối tượng khách mong muốn tìm kiếm giá trị thật nghi ngờ.”

Quả thật, khi anh điều chỉnh lại mức giá như ban đầu thì những khách hàng cũ dần quay lại, nhận xét đánh giá về tiệm cũng vì thế dần cao lên và hiện nay hoạt động kinh doanh cũng đi vào quỹ đạo.

Tầm quan trọng của việc có chính kiến riêng 
Không biến bản thân và nhân viên thành những “Yes-man”

Ở Nhật, để trở thành nhà tạo mẫu tóc thì người hành nghề phải thi lấy chứng chỉ, nhưng ở Việt Nam thì khác. Mặc dù cũng có nhiều trung tâm đào tạo nghề nhưng phần lớn các chủ salon đều vừa làm  vừa học nghề rồi tách ra hoạt động riêng.

“Tại Nhật nhà tạo mẫu tóc phải học rất nhiều kiến thức về tóc, các loại hóa chất, kĩ năng tiếp khách… Còn ở Việt Nam, các nhà tạo mẫu thường chú trọng kĩ thuật hơn kiến thức.”

Ở tiệm của anh, để học được kĩ thuật, học viên phải trải qua từng bước từ gội đầu, cắt cơ bản, cắt nâng cao… Ở mỗi bước học viên phải làm bài kiểm tra, đủ điểm mới được học bước tiếp theo. Tuy nhiên, trong số đó có một học viên mong muốn được mở salon riêng đã yêu cầu anh cho học bước tiếp theo mặc dù không đủ điểm.

“Bạn nhân viên ấy có kĩ năng cắt rất tốt, tuy nhiên tiêu chuẩn của salon là hoàn thành công việc trong vòng 20 phút, nhưng bạn phải mất tận 40 phút nên không đạt chuẩn. Bạn giải thích rằng tiệm của bạn sẽ phục vụ những khách hàng chấp nhận được việc đó nên không thành vấn đề. Tôi rất bất ngờ với lối suy nghĩ mới này nên đã quyết định sớm truyền lại nhiều kĩ thuật mới cho bạn.”

Lúc còn ở Nhật, anh Sakashita luôn làm đúng theo những gì được bảo, chưa từng có ý định phản đối hay nói lên ý kiến của mình. Nhưng giờ đây nghĩ lại, anh thấy bản thân khi ấy chỉ là một “Yes-man”, không có chính kiến riêng.

“Tôi vẫn đào tạo bài bản cho học viên các kĩ thuật cơ bản, kĩ năng tiếp khách, tuy nhiên thị hiếu người Việt Nam thì chỉ có người Việt mới hiểu rõ nhất. Cách thị uy, bắt nhân viên phải nghe răm rắp theo lời mình sẽ không còn phù hợp. Bản thân tôi cũng luôn tạo điều kiện để nhân viên nói lên ý kiến của mình, không để họ trở thành những ‘Yes-man’ giống như tôi trước đây.”

Nhà tạo mẫu tóc – một nghề đáng trân quý 
Mơ ước về cơ hội giao lưu Việt – Nhật trong lĩnh vực tạo mẫu tóc

Salon của anh từng đón nhiều nhân viên mới tốt nghiệp trường nghề. Tất cả họ đều học nghề rất chăm chỉ, khéo léo và tiến bộ nhanh ngoài sức tưởng tượng. Anh có soạn riêng một sổ tay hướng dẫn đặt ở tiệm và anh rất bất ngờ khi thấy các bạn thường xuyên xem, tự mày mò học hỏi, nâng cao kĩ thuật.

“Khi thấy các bạn nghiêm túc với nghề như vậy, tôi càng mong muốn tạo điều kiện để các bạn có thể gắn bó lâu dài. Tháng 11 năm 2022 vừa rồi chúng tôi đã đón một bạn stylist mới. Mục tiêu của tôi là mở thêm nhiều salon để các bạn gắn bó làm việc.”

Ngoài ra, anh hy vọng rằng những hoạt động của mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò của nhà tạo mẫu tóc nói riêng và nghề tạo mẫu nói chung của Việt Nam.

“Cũng như tại Nhật Bản trước đây, ở Việt Nam nhà tạo mẫu tóc vẫn chưa có được địa vị cao trong xã hội. Không ít bạn buộc phải từ bỏ công việc này vì bị bố mẹ phản đối. Điều may mắn là hiện nay ở Hà Nội ngày càng có nhiều nhà tạo mẫu tóc trẻ Nhật Bản đến làm việc. Việt Nam là quốc gia đông dân số trẻ, tôi hy vọng thế hệ trẻ hai nước có thể tăng cường giao lưu, các salon Nhật có thể đưa nhân viên Việt Nam sang Nhật học hỏi thêm kinh nghiệm, kĩ thuật. Khi kĩ thuật của nhà tạo mẫu được nâng cao thì suy nghĩ của mọi người về nghề, địa vị của người làm nghề cũng được nâng cao.”

Sinh năm 1982 tại Osaka. Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nghề tạo mẫu tóc, anh hoạt động với tư cách là một dancer ở trong và ngoài nước Nhật. Sau chấn thương, anh dừng hoạt động và chuyển sang nghề tạo mẫu tóc. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm ở vị trí quản lý ở một salon tóc nổi tiếng, năm 2014 anh sang Việt Nam khởi nghiệp. Hiện nay, anh là chủ, đồng thời là stylist tại salon tóc Tetote chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc tóc chuẩn Nhật Bản.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >