Japan Embassy

Header

Từ ước mơ cống hiến cho quê hương bằng phát triển du lịch đến mục tiêu thực hiện những công việc mang tính tác động xã hội

Nguyễn Thị Thu Nghĩa
Trợ lý nghiên cứu, đào tạo và xây dựng năng lực tại Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI)

Nguyễn Thị Thu Nghĩa

Sau khi tham gia chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ của một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Nguyễn Thị Thu Nghĩa đã theo học cao học tại Nhật với niềm tin rằng mình có thể học hỏi nhiều hơn từ đất nước mặt trời mọc. Hiện tại cô đang phụ trách nghiên cứu, lập kế hoạch cho các khóa học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan chính phủ trong đó có Việt Nam, đồng thời cô cũng tự mình truyền tải những cách ứng xử và thói quen mà bản thân đã học được từ Nhật Bản.)

Cơ hội tham gia chương trình đào tạo của doanh nghiệp Nhật

Mang đến quyết tâm du học Nhật Bản

Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, một vùng đất du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Nghĩa chọn học Ngôn ngữ Anh ở bậc đại học vì cô muốn đóng góp cho sự phát triển của du lịch địa phương mình. Khi “Tàu Hòa Bình” (Peace Boat) –  một chuyến tàu đi vòng quanh thế giới trong một tháng – ghé thăm Đà Nẵng, với tư cách là hướng dẫn viên tình nguyện của địa phương, cô đã hướng dẫn người Nhật tham quan Đà Nẵng, cùng nhau ăn uống, ca hát và nhảy múa với họ.

“Sau khi tiếp xúc với con người và văn hóa Nhật Bản, bên cạnh ước mơ du học tại Hoa Kỳ của mình từ trước đến giờ, tôi còn quan tâm thêm đến việc đi du học Nhật Bản.”

Năm 2017, Thu Nghĩa tham gia chương trình nhà lãnh đạo toàn cầu với sự đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp của Nhật Bản – chương trình có mục đích bồi dưỡng các nhà lãnh đạo trẻ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ những người thông thạo tiếng Anh, có trên ba năm kinh nghiệm làm việc và mang sự quan tâm mạnh mẽ đến việc giải quyết các vấn đề xã hội mới có thể tham gia.

“Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Từ những gì học được trong khóa đào tạo ấy, tôi luôn suy nghĩ về việc bản thân mình có thể tạo ra tác động xã hội nào và cố gắng hành động để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.”

Sau đó, Thu Nghĩa tìm kiếm cơ hội học cao học tại Nhật Bản để lấy bằng thạc sĩ. Năm 2017, tuy cô không thành công trong việc xin học bổng của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), nhưng năm sau, cô đã giành được học bổng của International University of Japan (IUJ) tại Niigata và biến mong muốn du học Nhật thành hiện thực.

“Thực ra, phải đến lần thứ 2 tôi mới được chọn tham gia khóa đào tạo lãnh đạo trẻ. Thế nên tôi nghĩ là chúng ta không nên bỏ cuộc khi chỉ mới thất bại một lần mà nên thử thách thêm lần nữa.”

Yêu thích văn hóa và cách ứng xử của Nhật Bản

Thực hiện cả những video giới thiệu văn hóa Việt – Nhật

Năm 2017, khi Thu Nghĩa đến Nhật Bản lần đầu tiên để tham gia khóa đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ, vì chuyến bay bị hoãn nên nửa đêm cô mới đến sân bay. Lúc đó cô chưa biết tiếng Nhật, cũng không biết cách đi taxi hay đi tàu điện nên rất lúng túng không biết phải làm sao, nhưng người phụ trách chương trình đã lái xe suốt 2 tiếng đồng hồ đến sân bay để đón cô.

“Tôi rất ngạc nhiên khi được họ giúp đỡ đến mức như thế. Hơn hết, tôi vô cùng cảm động trước tinh thần trách nhiệm và sự chu đáo của người Nhật.”

Thu Nghĩa không xem những sự khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam mà cô ấy cảm thấy hàng ngày là “vấn đề”.

“Tôi rất thích văn hóa và cách ứng xử của người Nhật, vì vậy tôi rất vui vẻ khi có thể học hỏi được những điều mới mỗi ngày. Những điều như văn hóa xếp hàng hay văn hóa biết đứng trên lập trường của người khác để xin lỗi thật tuyệt vời nên tôi luôn nhìn họ mà học hỏi.”

Hiện tại, trên kênh YouTube “Ryo & Nghia Tube” do Nghĩa và người chồng Nhật của mình cùng lập ra, cô đăng tải những video giới thiệu về văn hóa Việt Nam và Nhật Bản như hướng dẫn tiếng Nhật thương mại cho người Việt, giới thiệu các điểm du lịch và ẩm thực của Việt Nam…

“Tôi hy vọng rằng thông qua việc người dân Việt Nam và Nhật Bản biết được văn hóa của đối phương, đó sẽ trở thành duyên cớ để người dân hai nước đến thăm lẫn nhau.”

Kì vọng vào đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

Trong các dự án nhà nước và tư nhân

Hiện tại, Thu Nghĩa làm việc tại Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) tư cách là thành viên của đội ngũ “Trợ lý nghiên cứu, đào tạo và xây dựng năng lực”, mang nhiệm vụ xây dựng các khóa học nhằm nâng cao năng lực cho các nhân viên chính phủ từ 66 quốc gia thành viên của ADB ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cô hy vọng hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ Nhật Bản sẽ ngày càng sôi động hơn trong các dự án công và cả dự án tư nhân.

“Tôi đang tham gia hỗ trợ lập kế hoạch cho các hội thảo nhằm tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến ​​thức giữa các bên phụ trách nhằm thúc đẩy đường sắt cao tốc ở các nước châu Á và tôi cũng đang nỗ lực trong việc phổ cập công nghệ tuyệt vời mà Nhật Bản tự hào này. Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và các công ty tư nhân sẽ có thể hợp tác trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối hai miền Nam – Bắc của Việt Nam.”

Sau khi tốt nghiệp khoa Tiếng Anh Đại học Đà Nẵng vào năm 2011, Thu Nghĩa làm việc tại các khách sạn resort lớn tại Đà Nẵng. Năm 2017, cô tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Năm 2021, cô lấy bằng Thạc sĩ (Kinh tế) tại International University of Japan (IUJ) ở Niigata. Hiện tại, cô đang phụ trách các khóa học của Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) nhằm nâng cao năng lực cho các nhân viên chính phủ của các nước thành viên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >