Japan Embassy

Header

Lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản rồi lên đường tới Mỹ
Duy trì liên hệ với Nhật Bản với mong muốn giúp đỡ các bệnh nhân

Nguyễn Chí Long
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago

Nguyễn Chí Long

Nguyễn Chí Long tốt nghiệp thủ khoa Đại học Y Dược Huế, được đề cử là một trong những “Người trẻ Việt Nam có ảnh hưởng nhất” tại giải thưởng “We Choice Awards 2014”. Anh là nhà nghiên cứu ung thư từng có cơ hội diện kiến Cựu tổng tổng thống Mỹ Barack Obama, phu nhân Akie Abe cùng nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Anh lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Tohoku và hiện đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, tập trung nghiên cứu về ung thư tại Đại học Chicago.

Quá trình lấy bằng tiến sĩ tại Nhật
là một trong những kỉ niệm đẹp nhất cuộc đời

Cậu học sinh trung học phổ thông người Huế Nguyễn Chí Long lần đầu tới Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình giao lưu thanh niên, học sinh sinh viên “Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youths” (JENESYS) của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

“Nhật Bản là nước ngoài đầu tiên tôi đặt chân đến. Khi tôi ở homestay tại một gia đình người Nhật, họ đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Với tôi khi đó, Nhật Bản có phong cảnh đẹp và đồ ăn ngon. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn thân thiết với những người Nhật mình gặp khi ấy.”

Trở thành sinh viên đại học, Long được tới Nhật Bản du học ngắn hạn theo chương trình trao đổi “Sakura Science Exchange Program” của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST). Sau này Long đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Tohoku. Theo lời anh, thời gian học cao học là “một trong những khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời”. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phục hồi sau trận đại động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011 và hướng tới đăng cai Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

“Tôi đã tham gia chương trình xúc tiến, phục hồi du lịch cũng như các hoạt động thu hút sinh viên quốc tế đến với vùng Tohoku. Tôi từng tới tất cả các tỉnh của Tohoku, trong số đó, tỉnh Yamagata với những ngọn núi hùng vĩ đã để lại ấn tượng lớn nhất với tôi. Tôi thích nó đến độ cho tới hiện tại đã ghé qua Yamagata trên 50 lần. Trong những chuyến đi, chúng tôi được đồng hành cùng một người bạn Nhật Bản. Sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết của cô đã cho tôi thấy người dân Tohoku nói riêng và người Nhật nói chung hiếu khách đến mức nào. Những chuyến đi đã trở thành kinh nghiệm cá nhân quý giá với tôi. Mong rằng những đóng góp nhỏ và khiêm tốn của tôi có thể góp phần giới thiệu tất cả các tỉnh trong vùng Tohoku tới với các bạn sinh viên quốc tế.”

Trong quá trình là du học sinh tại Nhật, Long cũng gặp những khó khăn nhất định như chưa thông thạo tiếng Nhật hay khó kết bạn. Tuy nhiên, đối với Long, những khó khăn cũng trở thành một phần kinh nghiệm của anh. Với vốn tiếng Anh tốt, Long dạy tiếng Anh cho những người bạn Nhật, nhờ vậy, anh có thể xây dựng các mối quan hệ thân thiết hơn và mở rộng cuộc sống theo cách riêng của mình.

Biết ơn sự hỗ trợ và hướng dẫn nhiệt tình
của các giáo sư người Nhật 

Long đang nghiên cứu về ung thư vì Việt Nam rất cần các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
“Để thành công trong khoa học, bạn cần ba yếu tố: Năng lực bản thân, sự may mắn và sự giúp đỡ.”
Anh chia sẻ về Giáo sư Kazuhiko Igarashi của Đại học Tohoku, người đã hướng dẫn anh tiến lên trên con đường nghiên cứu khoa học
“Khi đang tìm học bổng du học, tôi đã liên hệ với một số giáo sư và Giáo sư Igarashi là người đầu tiên trả lời. Nhờ thầy, tôi có thể đến Nhật du học và lấy được bằng tiến sĩ, cũng chính giáo sư đã viết thư giới thiệu tôi đến Mỹ với tư cách là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago.”
Long rất biết ơn và kính trọng giáo sư bởi ông đã dành thời gian trao cho anh nhiều kiến thức chuyên môn quý giá.
“Tôi cũng không rõ tại sao thầy lại có thể hỗ trợ tôi tận tình đến vậy. Nhờ thầy tôi đã có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Sau này, tôi đã mời thầy đến Việt Nam, không chỉ với mục đích nghiên cứu mà còn để thầy trải nghiệm phong cảnh cùng văn hóa của quê hương tôi.”

Duy trì mối quan hệ hợp tác với các giáo sư, nhà nghiên cứu Nhật Bản
Mong muốn đóng góp cho nghiên cứu về ung thư ở Việt Nam, Nhật Bản

“Tôi may mắn được du học ở những đất nước có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản hay Mỹ để thực hiện ước mơ cứu sống những bệnh nhân ung thư vô vọng.” – Long chia sẻ

Anh vẫn đang theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, tập trung vào lĩnh vực sinh học ung thư. Năm 2023, anh là một trong số ít nhà khoa học trẻ được chọn để trình bày công trình nghiên cứu của mình tại Hội nghị khoa học Lindau Nobel Laureate Meetings. Anh dự định tiếp tục làm nhà nghiên cứu ung thư tại Mỹ nhưng vẫn giữ liên lạc với các giáo sư Nhật Bản để trao đổi thêm về chuyên môn.

“Tôi vẫn là thành viên của Hiệp hội Ung thư Nhật Bản và dự định duy trì tham gia các hội nghị học thuật và nghiên cứu ngắn hạn tại Nhật Bản. Tôi có được như ngày hôm nay chính là nhờ những kinh nghiệm của tôi tại Nhật Bản. Tôi sẽ luôn trân trọng mối quan hệ của mình với nước Nhật.”

Năm 2015, anh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Y Dược Huế. Nhận Học bổng Global 30 của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, từ năm 2016 đến năm 2020, Long là nghiên cứu sinh tiến sĩ kiêm gia sư tại Đại học Tohoku, sau đó lấy bằng tiến sĩ của đại học này. Hiện tại, anh là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago và tập trung nghiên cứu về ung thư.

Các Bài Phỏng Vấn Mới

Hamada Eriko

Hamada Eriko

Họa sĩ

Read more >
Lê Lan Ngọc

Lê Lan Ngọc

Phát thanh viên/Biên tập viên chương trình tiếng Nhật kênh VTV4

Read more >
Gocchi

Gocchi

Blogger, quản lý trang blog “Vietnam Real Guide”

Read more >